Khám phá núi Đá Dựng ở Hà Tiên

Dòng chảy - Ngày đăng : 18:04, 16/02/2017

Từ cầu Tô Châu đi về Thạch Động, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang chừng vài cây số, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng một ngọn núi có vách thẳng đứng vươn mình giữa một không gian xanh bát ngát, núi Đá Dựng, một danh lam thắng cảnh được xếp hạng Di tích quốc gia vào năm 2007.

KHPT-Núi Đá Dựng cao 83 mét, đỉnh núi hơi bằng, cây cối trên núi hầu hết đều quằn quẹo, cổ quái từ trong khe đá mọc ra. Theo sách "Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, Đá Dựng còn có tên là Bạch Tháp. Tương truyền thời xa xưa, nơi đây sông núi quanh co, cỏ cây rậm rạp, dưới chân núi có tháp của một vị hòa thượng nên hàng năm vào mùa Phật Đản, chim hạc thường bay đến múa, vượn xanh dâng quả khiến cho cảnh chùa trở nên tiêu sái tịch mịch. Nhà thơ Đông Hồ có đoạn tả: "Dưới chân núi là cảnh sơn thôn, sơn trại, mấy túp nhà tranh vách đất núp dưới rặng tre xanh thật tĩnh mịch êm đềm… có gà gáy trên mây, chó sủa sườn núi, đìu hiu và man mác…".

16A_Trong_long_nui_Ya_DYng
Còn trong "Hà Tiên thập cảnh",  Đá Dựng có tên là "Châu nham lạc lộ" (đàn cò trắng bay về núi ngọc). Các loài chim cò ban ngày tung cánh bay đi tìm mồi; tối, chúng sải cánh bay về ẩn trú trên các vòm cây, hang đá. Hiện nay, trong các hang hóc của núi Đá Dựng còn nhiều vỏ hào, vỏ ốc bám đầy trên vách đá, chứng tỏ xưa kia là biển hoặc đầm nước. Theo một số cứ liệu thì nơi đây trước kia là sân chim (điểu đình), lúc Mạc Cửu đến khai thác đất Hà Tiên đã phát hiện có một viên ngọc quý tại núi Châu Nham nên càng khiến cho vùng núi này trở thành một vùng đất thiêng. Rồi trải qua quá trình thay đổi về địa hình, vùng núi non hiểm trở và cỏ cây rậm rạp xưa kia đã biến thành núi Đá Dựng như ngày hôm nay. 
 Trong lòng núi có nhiều hang động và thạch nhũ lấp lánh. Do bị xâm thực từ xa xưa nên mỗi chóp núi, mỗi hang động được cấu tạo như một tòa lâu đài với hàng trăm vọng đảo kỳ thú. Hầu hết các hang động đều ăn luồn vào trong sâu thẳm, ngoằn ngoèo, có đường thông gió mát lạnh. Đặc biệt là tại hang trống ngực, khách vỗ ngực sẽ phát ra một thứ âm thanh là lạ do sự cộng hưởng từ vách núi dội ra. Còn như vỗ nhẹ vào gác chuông, từ thạch nhũ sẽ phát ra những tiếng kêu thanh thoát. Ly kỳ nhất là hình tượng cây đàn Thạch Sanh 5 dây bằng thạch nhũ treo lủng lẳng trên vách đá, khi chạm vào sẽ phát ra âm thanh trầm bổng thật êm tai. Ngoài ra còn nhiều thạch nhũ khác được cấu tạo thành những hình thù kỳ quái, đầy ấn tượng như: hang Khổ Qua, hang Thần Kim Quy, hang Mẹ Sanh…, kỳ ảo nhất là hang Bồng Lai, còn gọi là hang Cây Điệp. Hiện phía sau tượng Phật Thích Ca có một khối thạch nhũ sáng lấp lánh như kim cương khi rọi ánh sáng vào…

16B_YYYng_len_nui_Ya_DYng
Hiện nay, ban quản lý khu du lịch đã khai thác tổng cộng 14 hang và mở cửa đón khách từ năm 2003 đến nay. Nếu tính từ chân núi lên đến hang thứ 14, khách tham quan phải lội bộ 161 mét đường bậc thang. Vào các ngày nghỉ, ngày lễ, nhiều đoàn xe khách từ các nơi đổ về tham quan tấp nập, đặc biệt là khách nước ngoài, họ rất hâm mộ các tour du lịch dã ngoại như thế này. 

THÀNH HIỆP