Việt Nam phối hợp sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G đầu tiên trên thế giới dùng chip ASIC

Công nghệ - Ngày đăng : 14:50, 02/03/2023

Mới đây, Viettel và Qualcomm đã tổ chức lễ công bố sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G đầu tiên trên thế giới dùng chipset ASIC theo tiêu chuẩn Open RAN.

Ngày 28/2/2023, Viettel High Tech - thành viên của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã cùng Qualcomm (Mỹ) đã chính thức công bố nghiên cứu và sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset ASIC theo tiêu chuẩn Open Ran, có 32 phát, 32 thu. 

Viettel High Tech là đơn vị đối tác đầu tiên hoàn thành chế tạo khối thu phát vô tuyến trạm 5G sử dụng chipset QRU100 5G RAN của Qualcomm. Thời gian để hoàn tất nghiên cứu và sản xuất chỉ mất 7 tháng. Được biết, các kỹ sư của Viettel High Tech tham gia vào quá trình nghiên cứu, đưa ra những phương án tối ưu và hoàn thành sản xuất bo mạch hoàn chỉnh trong thời gian cực ngắn, chỉ bằng 1/3 so với quy trình phát triển thông thường, vượt qua sự kỳ vọng của Qualcomm. 

Khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G của Viettel và Qualcomm phối hợp sản xuất hỗ trợ tất cả tính năng quan trọng yêu cầu công nghệ phức tạp như Massive MIMO, Beamforming, Dynamic Spectrum Sharing (DSS). Ngoài ra phải kể tới hiệu năng vượt trội đạt 400MHz, 16 layers Dowlink, 8 layers Uplink, hỗ trợ cả Sub-6 và mmWave. Riêng về dòng chip ASIC, Qualcomm sử dụng công nghệ 4nm tiên tiến nhất giúp tiết kiệm tới 20% năng lượng tiêu thụ trên mỗi cell. Trong khi các dòng chip khác trên thị trường vẫn đang sử dụng công nghệ 7nm.

Viettel High Tech là đối tác đầu tiên của Qualcomm trên thế giới hoàn thành chế tạo khối thu phát vô tuyến trạm 5G sử dụng chipset QRU100 5G RAN của Qualcomm chỉ sau 7 tháng hợp tác.

Trong khi đó, tiêu chuẩn mở Open RAN yêu cầu Khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G của Viettel có khả năng tích hợp chéo với các phần tử mạng của các nhà cung cấp khác nhau, giúp các nhà mạng triển khai mạng 5G với tốc độ cao, vùng phủ rộng, độ trễ thấp trong khi đó vẫn duy trì được chi phí đầu tư (CAPEX) và vận hành (OPEX) ở mức hợp lý.

Theo đánh giá, khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G mới dùng chipset ASIC  của Viettel là bước đột phá, mở ra cơ hội thay đổi ngành công nghiệp sản xuất thiết bị hạ tầng mạng viễn thông nhờ giảm giá thành, cũng như hạn chế sự lệ thuộc vào chipset độc quyền của các nhà sản xuất thiết bị khác. 

Dự kiến, Viettel và Qualcomm sẽ tiếp tục khâu hoàn thiện và ứng dụng thử nghiệm trên mạng lưới Viettel vào quý IV/2023. Khi hoàn tất các khâu và đóng gói thành công sẽ đưa thiết bị vào mạng lưới của mình tại 11 thị trường đầu tư và sẵn sàng cung cấp cho các nhà khai thác trên toàn cầu. Song song với đó, Viettel sẽ tiếp nối thành công, hoàn thiện thêm thiết bị 5G (64 phát, 64 thu) để phục vụ các nhà mạng phát sóng vào những khu vực có nhiều nhà cao tầng cần phủ cao và sâu.

Tổng giám đốc Viettel High Tech - ông Nguyễn Vũ Hà cho biết kết quả hợp tác với Qualcomm sẽ thúc đẩy tiến trình thương mại hóa sản phẩm 5G của Viettel trên diện rộng.

Được biết, những thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu - phát triển có đủ ở các phân lớp hệ thống mạng 5G (mạng lõi, mạng truyền dẫn, mạng truy cập), hiện đã được lắp đặt trên mạng lưới để cung cấp dịch vụ ở một số khu vực diện rộng trong nước với tốc độ download 1,5 Gbps, upload 60 Mbps. Chất lượng dịch vụ mạng 5G này tương đương với sản phẩm nước ngoài ở một số chỉ tiêu cơ bản dịch vụ viễn thông như tốc độ download và upload.

Theo kế hoạch phát triển, Việt Nam sẽ thương mại hóa mạng 5G vào năm 2023 bằng một phần thiết bị 5G trong nước sản xuất. Việc này giúp giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài, cũng như góp phần bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia.

PV