Hóc Môn kỳ vọng trở thành ‘cánh’ phát triển ở cửa ngõ hướng tây bắc TP.HCM

Dòng chảy - Ngày đăng : 10:10, 02/09/2022

Khi được phê duyệt thành lập, TP Thủ Đức ở phía đông là một “cánh”, Hóc Môn và các quận, huyện lân cận phía tây bắc cũng được mong chờ trở thành “cánh” còn lại cho sự phát triển cân bằng, mạnh mẽ hơn.

Hóc Môn đang dần hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố, đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng trọng điểm của đầu tàu kinh tế cả nước phía Nam.

Ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn, chia sẻ khi TP Thủ Đức được thành lập, ông đã hình dung không gian đô thị TPHCM sẽ cần thêm “cánh” để bay cao hơn nữa.

TP.Thủ Đức ở phía đông là một “cánh”, ông Khuyên kỳ vọng Hóc Môn và các quận, huyện lân cận phía tây bắc sẽ là “cánh” còn lại cho sự phát triển cân bằng, mạnh mẽ hơn.

Vùng đất Hóc Môn - Bà Điểm đã được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ để hoạt động và lãnh đạo phong trào cách mạng của cả nước trong thời kỳ 1936 - 1939. Các nguyên lãnh đạo Đảng như: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Thị Minh Khai… đã được người dân nơi đây nuôi giấu, chở che.

Nam kỳ khởi nghĩa diễn ra đêm 22, rạng sáng 23/11/1940 tại 18/21 tỉnh, thành ở Nam kỳ. Đây là cuộc khởi nghĩa quy mô lớn từ khi có Đảng lãnh đạo. Hóc Môn là nơi diễn ra cuộc họp Xứ ủy Nam kỳ (tháng 9/1940) để chuẩn bị khởi nghĩa.

Trong nhiều địa chỉ đỏ trên quê hương Bà Điểm - Hóc Môn, có khu tưởng niệm Ngã Ba Giồng (ấp 5, xã Xuân Thới Thượng). Từ 20 năm trước, khu tưởng niệm Ngã Ba Giồng đã trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia.

Hóc Môn kỳ vọng lên thành phố, cùng với các vùng lân cận, định hướng phát triển đô thị sinh thái, hiện đại khu vực Tây Bắc TP HCM. Ảnh minh họa

AHLĐ.GS Vũ Khiêu (1916 - 2021) đã đặt bút viết lời văn bia tưởng niệm đặt chính giữa khuôn viên khu tưởng niệm Ngã Ba Giồng.

Ở phân đoạn “Bao năm vất vả”, ông viết: Ruộng đồng kia, thấm đẫm mồ hôi/Cả một vùng thênh thang Bà Điểm: quả ngọt hoa tươi/Mười tám thôn bát ngát vườn trầu: cây xanh lá biếc/No cơm đủ áo, theo ông cha lao động cần cù/Đánh giặc giữ làng, cùng con cháu kiên cường quyết liệt…

Lời văn trên bia tưởng niệm còn có đoạn: Thuận dòng tấp nập, kênh rạch ven đô/Xuôi hướng dọc ngang, tàu xe xuyên Việt/Phối hợp cùng Gò Vấp, Sài Gòn, Chợ Lớn: địa giới liền kề/Chung sức với Long An, Bình Dương, Tây Ninh: vùng ven kế tiếp…

Là vùng ven đô thị, sau ngày đất nước thống nhất, Hóc Môn là địa bàn cung ứng lương thực, thực phẩm cho TPHCM trong giai đoạn kinh tế còn tự cung tự cấp. Qua tháng năm, những thửa ruộng, vườn rau… đến giờ vẫn còn, nhưng nhiều nơi ở đây đã xen cài đô thị hóa. Thương mại - dịch vụ - du lịch đã dần chiếm lĩnh, trở thành nguồn thu ngân sách chính của Hóc Môn.

TPHCM đã hoạch định chiến lược cho sự phát triển bền vững, trong đó phấn đấu đạt được mục tiêu xây dựng 5 huyện ngoại thành (Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ) lên quận hoặc thành phố trong giai đoạn 2021 - 2030.

Hóc Môn ở vị trí cửa ngõ hướng tây bắc TPHCM. Về điều kiện tự nhiên, Hóc Môn gần như hội đủ, có đường sông từ sông Sài Gòn ra nhánh An Hạ về tới miền Tây; đường bộ kết nối vùng Đông Nam bộ, về Đồng bằng sông Cửu Long, lên Tây Ninh…

TPHCM cũng đang tập trung phát triển đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giảm tải cho Quốc lộ 22), Vành đai 3, mở rộng Quốc lộ 1, đường sắt đô thị… qua địa bàn Hóc Môn.

Hóc Môn còn được đánh giá là địa bàn có nguồn lực rất lớn về đất đai, khi hiện còn khoảng hơn 5.000 ha đất nông nghiệp (chiếm hơn 48% diện tích tự nhiên của huyện) được quy hoạch phát triển đô thị, nhưng chưa sử dụng.

Là đại biểu Quốc hội tại địa bàn Hóc Môn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong nhiều lần tiếp xúc cử tri và làm việc với lãnh đạo huyện Hóc Môn, đều đặc biệt lưu ý về việc làm sao để khai thác được tiềm năng về đất đai, biến nguồn lực đất đai đó thực sự là “tấc đất tấc vàng”.

Hóc Môn trở thành thành phố, đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng trọng điểm là một mục tiêu lớn. “Cánh” phát triển ở cửa ngõ hướng tây bắc TPHCM là một kỳ vọng.

Khởi Giao