Xử lý cây xoài nhiễm vi khuẩn
Sống xanh - Ngày đăng : 22:19, 20/06/2019
Theo Cục bảo vệ thực vật, thủ phạm gây ra bệnh đốm đen trái xoài là vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. mangiferae . Trái xoài đã bị đốm đen hay lem “vết đen rỉ sắt” không thể chữa để có trái đẹp trơn tru được nữa. Thậm chí nếu có hiện diện ruồi đục trái mật độ cao thì chỉ mươi ngày sau cây xoài có thể thất thu hoàn toàn.
Trong canh tác, việc nhận dạng bệnh đốm vi khuẩn trên cây xoài để đưa ra phương án phòng trị bệnh kịp thời từ một chu kỳ sản xuất cây xoài. Cây xoài bị nhiễm vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. mangiferae ở nhiều bộ phận của cây như cành non, lá non và trái.
Khởi đầu, bệnh đốm vi khuẩn trên cây xoài thường trên lá, vào mùa mưa. Khi cây ra lá non là cơ hội cho vi khuẩn xâm nhiễm vào lá. Chỉ những nhà chuyên môn và những nhà vườn có kinh nghiệm mới có thể nhận diện được dấu hiệu đổi màu tại một số điểm trên lá. Hiện tượng rõ nét nhất vào lúc lá già, chóp lá có các đốm nhỏ
màu nâu vàng, trên phiến lá, vết đốm bệnh có góc cạnh, tâm hơi xám, viền vàng chuyển nâu đến đen, hơi gồ lên. Vết bệnh thường không bao trùm lên gân lá, nhiều vết bệnh có thể liên kết lại tạo thành mảng lớn, làm biến dạng nửa phiến lá. Ở những cành non, các vết nứt dọc rìa chừng lóng tay, tràn dịch là dấu hiệu nhiễm vi khuẩn. Trên cành lớn các vết cấn giập, vết thương dịch ngấm ra vỏ cây là dấu hiệu vi khuẩn xâm nhập gây hại.
Trên trái, bệnh gây hại nhiều từ khi bao hạt bắt đầu cứng. Vi khuẩn xâm nhập vào vết chích của côn trùng trên vỏ trái và chỗ giáp cuống và trái. Vết bệnh trên vỏ trái lúc đầu đục mờ trong vỏ, sau chuyển dần sang nâu đen, nổi trên vỏ và lan ra. Nếu gặp mưa hay thời tiết có ẩm độ cao, bệnh duy trì nhiều ngày vỏ trái bị nứt, nhựa không màu từ vết nứt chảy ra sau đó chuyển sang nâu, đen. Vết nứt trái dễ bị ruồi đục trái nhân cơ hội đẻ trứng, sinh giòi, khiến trái xoài thối nhanh.
Theo Bệnh viện cây trồng (Sofri), bệnh đốm vi khuẩn do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. mangiferae gây ra trên hầu hết các giống xoài. Vườn trồng dày, thiếu ánh sáng, ẩm độ cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển. Nguồn vi khuẩn gây bệnh tồn tại trên cành, lá và trái bệnh theo nước (mưa và tưới) gió xâm nhập qua vết nứt sinh học, xây xát cơ học hoặc vết chích của côn trùng.
Trong thời điểm hiện tại (trái đã già), nhà vườn vẫn còn có thể quan sát dấu bệnh vương trên lá, trên cành, kể cả cành nhỏ đã chết khô. Phun thuốc gốc đồng để ngừa bệnh như Bordeaux 1%, hoặc một trong các loại sau Copper Zinc 85 WP, Coc 85 hoặc Kasuran 50 WP, Kasumin 2L, Starner 20 WP 7 - 10 ngày/lần x 3 lần ướt toàn bộ cây, lá xoài để loại bỏ vi khuẩn. Sau đó tỉa bỏ cành, lá, trái bệnh, làm vệ sinh mặt vườn đốt tẩy uế. Sau khi phun thuốc, để phòng bệnh cho mùa sau, thời điểm này nên tỉa cành, tạo tán làm thông thoáng tán cây, sao cho ánh nắng có thể xuyên vào thân cây.
Thường xuyên kiểm tra vườn, nhất là vào mùa mưa. Nếu phát hiện bệnh phải phun thuốc ngay. Đối với cây xoài đã từng nhiễm vi khuẩn không nên phun nước tưới lên toàn cây, kể cả các loại phân bón lá.