Thủy phân dịch cá nhanh và không bốc mùi
Sống xanh - Ngày đăng : 17:57, 29/06/2019
Thời hạn sử dụng (date) chế phẩm sinh học và thương hiệu nhà sản xuất rất quan trọng bởi sự sống còn, khỏe, yếu... của vi sinh trong sản phẩm. Vi sinh trong các chế phẩm nói trên sẽ giúp thủy phân các chất hữu cơ, protein... từ cá nguyên liệu cho ra dịch cá nhanh gấp nhiều lần so với cách ngâm cá tự nhiên.
Nếu dùng EM gốc (EM1 có độ tin cậy cao, đỡ công vận chuyển) thì pha chế bằng cách dùng 1 lít EM1 và 1 lít rỉ đường pha vào 18 lít nước, cho ra 20 lít EM2. Dùng rỉ đường rẻ nhưng ở vùng không có phụ phẩm lò đường này, thay thế bằng đường nâu, đường tán, chi phí có thể cao hơn chút ít.
Nên chọn cá nguyên liệu còn tươi để ít bốc mùi nhất. Sau khi xay, cá được đổ vào lu sành hay thùng phuy nhựa rộng miệng. Cùng lúc đổ EM2 vào thùng cá xay với khối lượng phân nửa cá. Dùng cây đòn mái chèo đảo cho đều, trong khi đó chế thêm nước vào cho đến khi ngập cá 2 - 3 cm. Dùng mảnh nylon bao miệng thùng phuy, niệt bằng dây thun, ngừa ruồi đẻ trứng, nhặng đẻ giòi, gián, chuột sa vào. Thùng phuy ngâm ủ cá nên được phơi ở chỗ trống để tích nhiệt cho vi sinh hoạt động mạnh, nhiệt độ thùng ủ thích hợp từ 40 – 45 độC. Do hỗn hợp ủ sinh nhiệt và khí, miếng nylon đậy thùng ủ phồng lên là dấu hiệu tốt. Chế phẩm vi sinh sẽ giúp ức chế và tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh, gây mùi hôi cực tốt. Sau mỗi 2 ngày mở miếng đậy và tiến hành khuấy, đảo trở và sau lần mở thứ 3, 4 hay 5 (10 ngày) cho thêm vào ủ 4 - 5 kg vỏ đu đủ xanh và trái khóm bằm cho mỗi thùng phuy để các thứ này hỗ trợ quá trình phân giải cá nhanh hơn.
Sau khoảng 15 - 20 ngày, cá trong lu/phuy đã tan hết thì thêm vào 50 lít nước đã hòa EM2, khuấy cho đều rồi lọc lấy dịch để dành đem đi bón cây. Phần xương và mỡ cá (nếu có) được bổ sung EM2 và rỉ đường ủ tiếp, lấy phân dùng sau và nếu còn cặn thì chôn vào gốc cây lâu năm cho hoai mục. Thời gian sử dung dịch cá “tươi” này trong vòng 15 - 20 ngày là tốt nhất.
Phun dịch cá qua lá là giải pháp tốt nhất bởi vi sinh vật hữu ích trong các chế phẩm sinh học tiết ra các enzym phân hủy protein của thịt cá, tạo thành các acid amin dễ tiêu cho cây trồng (theo Trung tâm công nghệ sinh học và kinh nghiệm nhà nông). Cá chứa rất nhiều vitamin, vi lượng và khoáng chất, sau phân giải thành acid amin giúp cây trồng bổ sung dinh dưỡng cực nhanh qua lá và khí khổng thân, cành cây. Theo đó dùng 1 lít dịch phân cá (đã lược cặn kỹ) pha với 500 - 1.000 lít nước sạch để phun lá (tùy vào loại cây trồng). Nên phun dịch phân cá vào buổi sáng hoặc chiều mát để quá trình trao đổi chất thuận lợi hơn. Nếu không pha trộn thuốc trừ sâu bệnh khi phun không cần ngày cách ly trước thu hoạch.
Giải pháp tưới gốc cũng được các cơ quan khoa học, khuyến nông và nhà vườn khuyến cáo không chỉ nuôi cây, vi sinh vật còn giúp cải tạo đất. Theo đó dùng 1 lít dịch phân cá pha với 100 - 300 lít nước sạch để tưới rau, hoa, cây ăn trái... Lưu ý, dịch phân cá rất giàu đạm tuy nhiên hiện tượng tồn dư đạm (MLs) trong sản phẩm ít thấy. Dùng dư đạm cá cho cây trồng cũng không tốt, chỉ bở lá, sức đề kháng của cây yếu đi thấy rõ, và quá trình phân hóa mầm hoa trở nên khó khăn hơn. Trời mưa dầm dùng nhiều phân dịch cá thì cây đề kháng yếu rất nguy hiểm. Đối với vườn cây ăn trái một năm dùng phân dịch cá 4 - 5 lần được cho là thích hợp, trái ngọt, màu đẹp hơn. Khuyến cáo cân đối phân bón, nhất là bón lót lân và dùng kali đúng lúc cây cần đến. Đối với rau dùng 2 lần/vụ cho ngon, ngọt, giòn và bảo quản tươi lâu hơn đối chứng không dùng.