Phun thuốc diệt rầy nâu thế nào đúng cách?

Sống xanh - Ngày đăng : 15:35, 30/06/2019

KHPTO - Thực trạng rầy nâu xuất hiện trên ruộng lúa và được nông dân đánh giá “khó trị” hơn trước đây, bắt đầu có biểu hiện kháng thuốc. Một phần do khả năng kháng thuốc còn có nguyên nhân nông dân chưa áp dụng đúng nguyên tắc sử dụng thuốc và cách phun thuốc diệt rầy. Vì vậy, nông dân cần lưu ý khi diệt rầy trên ruộng lúa như sau để tăng hiệu quả.

Theo Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, một trong những nguyên nhân gây bộc phát rầy nâu có nguyên nhân là do nông dân sử dụng thuốc trừ sâu không theo nguyên tắc 4 đúng. Trong số 4 đúng này, có một nguyên tắc mà nông dân thường vi phạm nhất là không “đúng cách’’. Tức là phun thuốc không đúng nơi rầy nâu trú ẩn, phun không đủ áp lực để tạo giọt sương và không đủ lượng nước trải. Tập quán này đã tạo cho rầy nâu trốn thoát trước những cơn mưa thuốc sâu và khả năng bộc phát rầy nâu ngày càng tăng. Để góp phần quản lý rầy nâu hiệu quả, nông dân cần áp dụng “đúng’’ nguyên tắc “4 đúng’’.

Qua các khảo sát thực tế cho thấy, nông dân thường sử dụng các loại bình phun có cần phun 3 - 4 vòi phun. Hậu quả của việc này là làm giảm áp suất phun, tăng kích thước giọt thuốc phun ra cho nên thuốc trừ sâu khó bám lên cây lúa mà dễ rơi tuột xuống đất, dẫn đến hiệu lực của thuốc bị giảm thấp. Khi thấy hiện tượng này, nông dân cho rằng thuốc diệt rầy “kém’’ hiệu quả?

Các kết quả nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của các loại bình phun ghi nhận tác động của bình phun máy và bình phun inox 1 vòi phun cho hiệu quả trừ rầy nâu cao (hiệu quả diệt rầy nâu 53 - 64%). Trong khi các loại bình phun 3 - 4 vòi chỉ đạt hiệu lực 10 - 40%.

Mặt khác, tập quán nông dân quen phun 2 bình 16 lít/công (có khi công trên 1.000 m2), tương đương khoảng 320 lít/ha nên không đủ thuốc trải đều xuống gốc lúa (gốc lúa là nơi rầy nâu trú ẩn) làm hiệu quả diệt rầy không đạt yêu cầu. Các thí nghiệm cho thấy, phun càng nhiều nước thì hiệu quả diệt rầy nâu càng tốt, nhất là với lượng nước khoảng 480 lít/ha, vừa ngăn chặn rầy nâu hiệu quả, vừa ít gây hại đến quần thể thiên địch. Một sai lầm nữa mà nông dân nên tránh là chỉ phun thuốc trừ rầy lớt phớt trên lá lúa, ít khi đưa vòi phun xuống gốc lúa.

Vì vậy để phòng ngừa rầy nâu hiệu quả trên ruộng lúa, nông dân cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng’’. Nên chọn phun thuốc bằng bình inox loại có 1 vòi phun (hoặc bình phun máy), pha thuốc với lượng nước 480 lít/ha, đặt vòi phun sát gốc lúa và chỉ phun thuốc khi tới ngưỡng phòng trừ (2 - 3 con/tép).

PHƯƠNG DUY