Phụ nữ vùng ven đam mê trồng lan

Sống xanh - Ngày đăng : 11:55, 12/08/2019

KHPTO - Những năm gần đây, trồng hoa lan, cây kiểng đang trở thành nghề mang lại giá trị kinh tế cao trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Đặc biệt, có không ít người từ khởi điểm ban đầu chỉ là tình yêu, sự đam mê đối với hoa lan, nhưng sau một thời gian đã từ nhu cầu giải trí chuyển sang “bén duyên” với nghề trồng lan.

Chị Hạnh chăm chút lan một cách cẩn thận, thiết kế vườn rất ngăn nắp, sạch sẽ, thoáng mát, những cây lan tươi tốt và lúc nào cũng khoe bông cho thấy chủ nhân có tay nghề cao. Hiện vườn của chị có khoảng 25.000 chậu lan dendrobium và trên 10.000 cây lan mokara. Giá thành cho một chậu lan dendrobium (gồm giống, chậu, giá thể, phân bón và công) là khoảng 12.000 đồng, giá bán hiện 28.000 - 35.000 đồng/chậu, lợi nhuận đạt gần 20.000 đồng/chậu. Lan mokara cắt cành thì giá bán khoảng 5.000 đồng/cành. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm vườn lan của chị cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng.

Chị Hạnh chia sẻ kinh nghiệm: “Trồng lan không khó, chỉ cần nắm bắt được đặc tính kỹ thuật, nhưng để thành công thì phải có đam mê, phải tìm nguồn cung cấp giống uy tín. Hiện cái khó của người trồng lan, nhất là lan dendrobium ở Bình Chánh, là bệnh ruồi đục nụ bông. Chúng tôi đã dùng nhiều thuốc đặc trị có trên thị trường nhưng bệnh cứ tái đi tái lại nhiều lần, làm năng suất và chất lượng hoa lan giảm. Chúng tôi mong được các cấp ngành chuyên môn hỗ trợ nghiên cứu thuốc trị dứt điểm bệnh này để bà con an tâm phát triển nghề”.

Chị Lê Thị Như Ý (ngụ tại số 1/5B ấp Đình, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn) thực hiện mô hình trồng lan theo hướng sản xuất nông nghiệp đô thị đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, chị Ý canh tác vườn lan quanh nhà với diện tích đất 2.000 m2, trồng nhiều loại lan cấy mô tham gia thị trường, chủ yếu là lan dendrobium.

Để nắm được kỹ thuật chăm sóc lan dendrobium, chị không ngừng tìm tòi học hỏi kinh nghiệm. Theo chị, muốn thành công trong nghề trồng lan thì ngoài các khâu cần thiết của nghề, khâu quan trọng nhất là tuyển chọn giống và công tác xử lý môi trường phải được quan tâm thật tốt, sản xuất giá thể để trồng lan đạt tiêu chuẩn, trồng lan mật độ quá dày cũng khiến nấm và vi khuẩn phát triển làm lan hư, không trổ hoa hoặc có trổ thì hoa cũng không đẹp. Chính vì vậy, chị Ý đã xử lý môi trường rất triệt để và cẩn thận trước khi chọn mua giống và luôn đặt việc phòng chống bệnh lên hàng đầu.

Lan trong vườn đang trong kỳ thu hoạch và phát triển tốt, hàng tháng, chị thu hoạch và bán ra thị trường trên 10.000 cành hoa, thu về vài chục triệu đồng, sau khi trừ chi phí “đầu vào”, chị lời hơn 20 triệu đồng (tính ra 1 năm thu lời được trên 200 triệu đồng).

Không chỉ là người trồng lan giỏi, chị Ý còn là người cán bộ gương mẫu ở cấp cơ sở, là hội viên nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền, thường xuyên tham gia tốt các phong trào xây dựng nông thôn mới, đóng góp cho chương trình “Vì người nghèo”, giảm nghèo, tăng hộ khá, hỗ trợ cho bà con nông dân kỹ thuật trồng lan đạt hiệu quả, để cùng vươn lên tô điểm cho đời, như những cành lan xinh tươi, mạnh đẹp.

H. LIÊN - T.K