Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Tiềm năng lớn còn bỏ ngỏ

Sống xanh - Ngày đăng : 11:08, 18/08/2019

KHPTO - Mặc dù có nhiều cơ hội để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhưng Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn chưa sẵn sàng và quyết liệt để bắt tay thực hiện, trong khi đây là xu thế phát triển của thế giới để loại bỏ dần thực phẩm thiếu an toàn và sản xuất theo hướng có lợi cho môi trường. Báo Khoa Học Phổ Thông có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới TP.HCM.

* Là chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, tiến sĩ có nhận định gì về nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam?

- So với thế giới, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát triển còn chậm và chỉ chiếm diện tích sản xuất nhỏ (0,28% diện tích đất nông nghiệp - PV).

Việt Nam mới chỉ có một vài nông sản hữu cơ có ưu thế và đứng top trên và cũng mới chỉ có một vài doanh nghiệp có chứng chỉ nông sản hữu cơ quốc tế.

Vấn đề nổi cộm nhất mà chúng ta vẫn chưa làm được là cung cấp nguồn phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật gốc sinh học và thuốc thảo mộc để phục vụ cho nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chạy theo sản xuất số lượng, vẫn canh tác truyền thống, tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc hóa học còn phổ biến, thế nên, hàng năm tiêu thụ tới 10 - 12 triệu tấn hóa học.

Ngoài ra, việc thay đổi thói quen bón phân với tỷ lệ 50 hữu cơ - 50 hóa học, chúng ta vẫn chưa làm được thì làm sao chuyển sang nông nghiệp hữu cơ.

* TP.HCM đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, riêng nông nghiệp hữu cơ của TP.HCM phát triển ra sao?

- Nông nghiệp hữu cơ của TP.HCM phát triển chậm. Mặc dù có tiềm năng rất lớn để chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuy nhiên, chúng ta chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của nó nên hiện mới chỉ xác định chuyển hướng sang nông nghiệp đô thị.

* Cơ hội nào cho TP.HCM phát triển nông nghiệp hữu cơ?

- TP.HCM có dân số đông nhất nước với hơn 10 triệu dân, đây là thị trường gần gũi nhất để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Hơn nữa, thành phố có số lượng đàn bò, heo, gia cầm, bò sữa khá cao… đây là nguồn nguyên liệu rất lớn để chế biến thành phân hữu cơ. Chưa kể thành phố lại tập trung nhiều viện, trường, nhà khoa học, lại có hạ tầng công nghệ cao, công nghệ sinh học tương đối hiện đại… đây là tiềm năng, dư địa để phát triển nông nghiệp hữu cơ.

* Nắm bắt cơ hội đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, tiến sĩ nhận định gì về sự đón đầu xu thế mới của doanh nghiệp?

- Tôi đánh giá cao sự dấn thân của một số doanh nghiệp khi chọn nông nghiệp hữu cơ để khởi nghiệp. Họ là những doanh nghiệp có lương tâm, làm ăn chân chính, mong muốn thay đổi nền nông nghiệp của TP.HCM.

Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp xem đây là cơ hội để thương mại, là lĩnh vực màu mỡ để phát triển nhưng chưa lường hết được rủi ro nên bị thất bại. Các rủi ro này là do sản phẩm hữu cơ chưa được nhiều người chú trọng, người tiêu dùng vẫn còn mơ hồ, hoài nghi về chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, có nhiều suy nghĩ khởi nghiệp chưa đúng là cứ giảm tối đa phân, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong canh tác thì cho đó là nông nghiệp hữu cơ. Quan điểm này cũng tốt nhưng đã sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì cần tuân thủ nhiều chỉ tiêu trong canh tác do các tổ chức hữu cơ có uy tín cấp, đặc biệt là chứng chỉ quốc tế.

*Chúng ta cần làm gì để phát triển nông nghiệp hữu cơ đúng nghĩa?

- Kiến thức của người tiêu dùng còn hạn chế, chưa hiểu thế nào là nông sản hữu cơ, đòi hỏi các cơ quan, nhà chuyên môn phải tuyên truyền tích cực hơn. Nhà sản xuất sản phẩm hữu cơ tuân thủ các quy trình canh tác theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, thành phố nên chuyển hướng dần và kết hợp nông nghiệp đô thị với nông nghiệp hữu cơ, phải tổ chức sản xuất, quy hoạch lại và phải có những biện pháp, chính sách phù hợp.

Đồng thời, chúng ta cần có chứng chỉ thật, nông sản thật, nếu làm được điều này, tôi tin trong tương lai gần, 10 triệu dân thành phố sẽ tin tưởng và chấp nhận mua sản phẩm hữu cơ ngày càng nhiều hơn. Nếu không làm điều này, Việt Nam sẽ tụt hậu và người tiêu dùng sẽ ít có cơ hội tiếp cận với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, cũng như không có nhiều sản phẩm hữu cơ để xuất khẩu.

VỸ PHƯỢNG (ghi)