Nhiều cơ hội phát triển nghề nuôi cá cảnh xuất khẩu ở Thành phố Hồ Chí Minh
Sống xanh - Ngày đăng : 10:05, 22/08/2020
Trong nhiều năm qua, nuôi cá cảnh xuất khẩu được TP.HCM chọn là lĩnh vực quan trọng trong phát triển nông nghiệp đô thị, được xem là đối tượng giúp nông dân tạo ra giá trị, thu nhập cao gấp nhiều lần so với nông nghiệp truyền thống trên cùng một đơn vị diện tích.
Theo Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, sản lượng cá cảnh xuất khẩu đầu năm 2019 đạt 9,304 triệu con (tăng 5,6% so cùng kỳ), kim ngạch xuất khẩu cá cảnh đạt 11,486 triệu USD (tăng 6,3% so cùng kỳ). Các loại cá cảnh sản xuất và xuất khẩu chủ yếu là cá dĩa, chép Nhật, bảy màu, xiêm, ông tiên, koi... Hiện nay, cá cảnh TP.HCM đã xuất khẩu sang 46 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó châu Âu chiếm gần 60%, còn lại là các thị trường châu Á, châu Mỹ, Nam Phi.
Trong nhiều năm qua, nhận thấy được tiềm năng, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cá cảnh, hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay cho hộ gia đình và các công ty trong quá trình sản xuất. Đồng thời, thông qua các hội chợ triển lãm, giới thiệu cá cảnh, thị trường cá cảnh có cơ hội mởrộng, vươn xa hơn sang nhiều nước trên thế giới.
Cũng trong thời gian qua, Trung tâm khuyến nông thành phố đã nghiên cứu sinh sản được 3.000 con cá neon Việt Nam giống, bước đầu nghiên cứu sinh học sinh sản, xây dựng quy trình kỹ thuật thuần dưỡng trong điều kiện nuôi nhân tạo cá thủy tinh được khai thác từ tự nhiên, nâng tỷ lệ sống từ 25% lên 70%... Đây được xem là một bước đột phá mới, góp phần nâng cao chất lượng cá cảnh thành phố.
Bên cạnh nhiều cơ hội phát triển, vẫn còn nhiều khó khăn để thị trường xuất khẩu cá cảnh trong nước cạnh tranh được với các đối thủ ngoại. Mức độ phát triển và tỷ trọng xuất khẩu cá cảnh vẫn còn khá thấp so với khả năng và tiềm lực.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều cơ sở, doanh nghiệp, các hộ nuôi cá cảnh gặp khó khăn về mở rộng sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Việc tổ chức sản xuất, kinh doanh cá cảnh trên địa bàn TP.HCM chưa có sự liên kết chặt chẽ, nhất là vai trò của các hội, chi hội cá cảnh còn nhiều hạn chế, hội viên phân tán, dẫn đến tình trạng không phát huy được sức mạnh thật sự của các nghệ nhân có tâm huyết. Số lượng tổ hợp tác và hợp tác xã cá cảnh còn ít và hoạt động chưa hiệu quả. Số hộ nuôi cá cảnh được tiếp cận chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố cũng còn ít.
Đứng trước những thách thức trên, để cá cảnh phát triển đúng với tiềm năng sẵn có, cần sự hỗ trợ đồng bộ của các cấp chính quyền, doanh nghiệp trong sản xuất và kinh doanh cá cảnh. Qua đó, góp phần giúp các đơn vị sản xuất - kinh doanh cá cảnh mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại, từng bước đưa cá cảnh Việt Nam vươn xa thị trường thế giới.