Sản phẩm tinh chế từ cây ngải cứu bán hàng qua Facebook

Sống xanh - Ngày đăng : 06:35, 01/11/2020

KHPTO - Gặp bế tắc vì không thể thương mại sản phẩm qua kênh bán hàng truyền thống, Hà Văn Lộc (ngụ Thủ Đức, TP.HCM), nhà sáng lập Sài Gòn TCS, tìm hướng thử nghiệm mới - bán online qua mạng xã hội Facebook, cơ hội đưa đến là trên 3.000 khách hàng ủng hộ sản phẩm của Hà Văn Lộc, giúp TCS “sống sót” và tiếp tục phát triển.

Dòng sản phẩm nhang ngải cứu, máy hơ ngải cứu, viên ngải cứu và tinh dầu TCS của startup Hà Văn Lộc được rất nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao nhờ tính đổi mới sáng tạo. Trong đó, sản phẩm nhang ngải cứu, tuy không dùng đến hóa chất hay keo kết dính nhưng vẫn giữ nguyên màu xanh diệp lục. Còn máy hơ ngải cứu được làm bằng gỗ (máy của nước ngoài làm bằng nhựa và kim loại); dùng được trên các thiết bị di động, máy tính; máy dễ dàng xoay chuyển 360 độ, phần lắp điếu ngải bên trong được thiết kế rời nên dễ dàng tháo ra để vệ sinh giúp máy không bị nhựa ngải cứu dính chặt vào và không gây mùi hôi.

Dù được đánh giá khá cao về tính đổi mới sáng tạo, thế nhưng sản phẩm của Hà Văn Lộc lại gặp bế tắc vì không thể thương mại qua kênh bán hàng truyền thống. Anh Hà Văn Lộc chia sẻ: “Sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp rất khó được các nhà bán lẻ chấp nhận đưa vào các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn, vì chưa có tiếng tăm; trừ khi các sản phẩm này phải có thời gian bán hàng lâu và có uy tín, vì các nhà bán lẻ sợ bị phiền phức khi sản phẩm bị phản hồi về chất lượng”.

Không thể để sản phẩm “chết” oan uổng, Hà Văn Lộc thử nghiệm kênh bán hàng mới là mạng xã hội Facebook. Dù quá trình thử nghiệm cũng lắm gian nan nhưng với một startup yếu về tài chính, thì đây được xem là chiếc “phao” cứu sinh tuyệt vời. Anh Hà Văn Lộc chia sẻ: “Để biết cách bán hàng online, tôi bỏ ra 100 triệu đồng để thuê chuyên gia về công ty huấn luyện, hướng dẫn; tham gia thêm các khóa đào tạo bán hàng online, nhưng đều bị mất tiền oan, việc bị mất 5 triệu đồng, hoặc 10 - 20 triệu đồng cũng là chuyện bình thường. Tôi cho rằng, những chuyên gia này chỉ biết hướng dẫn từ các “module bán hàng” đã lập trình sẵn, chứ chưa từng có kinh nghiệm bán hàng online. Ngoài ra, tôi còn mất tiền để thuê viết nội dung (content) quảng bá bán hàng, thế nhưng chất lượng bài quá sơ sài, không nêu được giá trị cốt lõi và chất lượng sản phẩm nên không thể chốt sale”.

Anh Hà Văn Lộc chia sẻ thêm: “Tốn tiền để học bán hàng online mà không hiệu quả, tôi đành tự học, tự nghiên cứu phát triển. Tự làm tất cả, vừa viết nội dung quảng bá sản phẩm, lên đơn, chăm sóc khách hàng, chốt sale, rồi giao hàng cho đơn vị vận chuyển...”.

“Ban đầu, đăng bán trên các group, diễn đàn, nhưng ít được quan tâm. Sau đó, chạy quảng cáo, truyền thông trên Facebook, hiệu quả đến nhanh hơn, chỉ trong 1 giờ có cả 100.000 người biết được sản phẩm của tôi. Facebook có công cụ lọc giúp tôi tìm kiếm đúng khách hàng mình cần (khu vực sinh sống, nơi làm việc) cũng như biết rõ nhu cầu, sở thích, thu nhập. Từ đó giúp tôi khoanh vùng khách hàng để có chiến lược quảng bá sản phẩm. Tôi tự viết bài giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm hiểu được nhu cầu của khách hàng tiềm năng nên bán được hàng, đủ hòa vốn. Tôi tiếp tục bỏ ra 20 - 30 triệu đồng để chạy quảng cáo, bù lại kiếm được 100 triệu đồng từ bán hàng; và đo lường được sản phẩm qua nút like, share; đo lường được khách hàng quay lại mua sản phẩm. Tôi cho rằng, tỷ lệ quay lại mua hàng trên 50% là thành công còn dưới 50% là phải xem lại. Hiện tại, khách của TCS quay lại mua hàng đạt 70%, còn tỷ lệ hài lòng về sản phẩm đạt 90%”, anh Hà Văn Lộc cho biết thêm.

Qua gần 2 năm bán hàng qua Facebook, TCS đạt con số bán hàng khá ấn tượng, với 3.000 khách hàng thường xuyên mua hàng. Tương lai, TCS sẽ tiếp tục phát triển lên 20.000 – 50.000 khách hàng. Thông qua mạng xã hội Facebook, thương hiệu TCS đã nở ra, nên TCS tin tưởng có thể đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ của VinMart với khoảng 1.000 điểm bán. TCS cũng đang mở rộng khách hàng sang các quốc gia khác, ngoài khách hàng truyền thống Mỹ. TCS đang chuẩn bị hồ sơ đề nghị chứng nhận đạt tiêu chuẩn bán hàng và sản phẩm được phép lưu hành tại một số quốc gia.

“Bán hàng online ít tốn chi phí vận hành, không tốn chi phí mặt bằng kinh doanh, nhân lực chỉ cần 1 - 2 người, ngồi một chỗ điều hành là có thể bán vài chục đơn/ngày. Bán qua online cũng dễ chăm sóc khách hàng; quảng bá sản phẩm và thương hiệu nhanh mà hiệu quả. Đây là kênh bán hàng tôi nghĩ rằng các startup nên tận dụng, vì nó giúp startup “sống sót” được trong giai đoạn khó khăn”, anh Hà Văn Lộc chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp.

VỸ PHƯỢNG