Thành phố Hồ Chí Minh: Giải pháp chăn nuôi thủy sản bền vững
Sống xanh - Ngày đăng : 16:33, 05/11/2020
Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản của TP.HCM khoảng 6.000 - 7.000 ha (tổng diện tích quy hoạch của thành phố cho thủy sản là 10.000 ha). Trong đó, nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu tại huyện Cần Giờ với khoảng 6.000 ha mặt nước, 96% dân số hoạt động trong lĩnh vực thủy sản. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có một số huyện cũng nuôi trồng như Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè.
Thành phố đã đầu tư xây dựng Trung tâm thủy sản hiện đại nhất Việt Nam tại Bình Chánh, Cần Giờ. Vốn đầu tư ban đầu khoảng 1.500 tỷ đồng, bao gồm nhà máy chế biến, kho lạnh, cảng cá, khu dịch vụ hậu cần.
Trong thời gian tới, để phục vụ nhu cầu thị trường tiêu thụ thủy sản lớn ở TP.HCM, cần có những giải pháp phát triển đồng bộ để đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản của thành phố ổn định và bền vững.
Trước hết, cần tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 và công nghệ hiện đại trong nuôi trồng thủy sản. Trong những năm gần đây, công nghệ hiện đại được áp dụng ngày càng nhiều, góp phần tạo ra những giá trị vượt trội trong sản xuất như giải phóng sức lao động, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, tiết kiệm chi phí, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cảm biến nhanh để thích ứng với những thay đổi của thời tiết, môi trường... Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 104 cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 748 ha (chiếm 13,5%), sản lượng đạt 48 tấn/ha/năm. Còn đối với ngành cá cảnh, thành phố có 44 hộ nuôi cá cảnh ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 27,48 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Củ Chi.
Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đánh bắt - khai thác thủy sản. Tuyệt đối không vi phạm vùng biển nước ngoài, không đánh bắt các loài thủy sản bị cấm... Các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định đánh bắt, quản lý tốt hoạt động đánh bắt thủy sản để đảm bảo không làm cạn kiệt nguồn lợi này bằng việc giảm dần tàu làm nghề kéo lưới, tổ chức lại khai thác vùng biển xa bờ, ven bờ theo mô hình khai thác theo tổ, đội.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển thị trường và xúc tiến thương mại. Vừa củng cố và phát triển các thị trường truyền thống, vừa tìm cơ hội ở các thị trường lớn (EU, Nhật Bản, Mỹ) và phát triển mở rộng các thị trường Đông Âu, Trung Đông, Hàn Quốc... Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm thủy sản ở các thị trường trọng điểm qua các điểm triển lãm, hội chợ, tuyên truyền, quảng cáo. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng cho một số sản phẩm thủy sản phục vụ xuất khẩu, để đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng, mẫu mã và quy cách sản phẩm thủy sản của các nước nhập khẩu.