Hệ thống di tích khảo cổ học ở TP.HCM
Bạn đọc - Ngày đăng : 13:52, 03/12/2014
Các cuộc điều tra khảo sát và khai quật đã phác họa bản đồ khảo cổ học (KCH) của thành phố phân bố như sau:
- Khu vực 1: vùng đồi gò cao thềm phù sa cổ của sông Đồng Nai, phân bố phía tây bắc từ huyện Củ Chi - Hóc Môn - quận 12 sang Thủ Đức - quận 2 - quận 9. Địa hình gò cao còn lan xuống một số quận nội thành như quận 1, 3, 6, 11... Các di tích ở khu vực này có niên đại từ 3.000 - 2.500 năm, đó là di tích Rỏng Bàng (Hóc Môn), Bến Đò, Long Bửu, Hội Sơn (quận 9), Gò Cát (quận 2)...
- Khu vực 2: vùng đất thấp trũng phía nam - đông nam, là đồng bằng thành tạo chưa hoàn chỉnh lại thường xuyên ngập mặn tạo nên hệ sinh thái kiểu rừng Sác. Hệ thống 25 di tích tập trung trên các giồng đất đỏ ở huyện Cần Giờ, niên đại từ 2.500 - 1.500 năm và một số địa điểm ở huyện Bình Chánh.
- Khu vực 3: là các quận nội thành hiện nay, nhất là trung tâm Sài Gòn - Chợ Lớn. Gồm các di tích có niên đại từ thế kỷ 18 đến nay như Gò Cây Mai, (quận 11), cầu Bình Lợi (Bình Thạnh), khu đất Nhà thờ Đức Bà - Bảo tàng thành phố - Thư viện - Tòa án, khu vực Trụ sở hải quan TP, đường Tôn Đức Thắng dọc cảng Bến Nghé xưa. Một số di tích được sử sách ghi lại là đã xây dựng trên các di tích thuộc Văn hóa Óc Eo như chùa Gò (Phụng Sơn tự) nhưng đến nay không thể khai quật vì di tích phía trên cũng rất tiêu biểu cho giai đoạn lưu dân vào khai phá xây dựng vùng Gia Định - Bến Nghé.
Cho đến nay, có 10 di tích KCH đã khai quật, gồm 8 di tích thời tiền - sơ sử và 2 di tích lịch sử, xếp theo niên đại từ sớm đến muộn, đó là các di tích: Bến Đò, Rỏng Bàng, Long Bửu, Khu Bao Đồng, Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, Giồng Cá Trăng, Giồng Am, Phụng Sơn tự, lò gốm cổ Hưng Lợi. Ngoài ra còn khai quật xử lý một số mộ cổ như khu mộ cổ Vườn Chuối (quận 3), Phú Thọ (quận 11), Gò Cát (quận 2), mộ xác ướp Xóm Cải (quận 5), mộ cổ trong khuôn viên Dinh Thống Nhất, và gần đây là cuộc khai quật mộ cổ đường Nguyễn Tri Phương và mộ xác ướp Xuân Thới Thượng (Củ Chi). Các di tích tiền - sơ sử đều là di chỉ cư trú hoặc mộ táng, hầu hết phát hiện tình cờ nhưng đã được khai quật một cách khoa học và với quy mô lớn, tư liệu hiện vật được nghiên cứu và lưu giữ cẩn thận, nhiều hiện vật đã được trưng bày tại hai bảo tàng lớn của thành phố nhằm giới thiệu phần nào về lịch sử xa xưa của vùng đất này. Tuy nhiên, do các di tích phân bố trên đồi gò, ngoài đồng ruộng nên đang bị thời gian, thiên nhiên và cả quá trình sinh sống của con người hủy hoại dần. Những di tích đã được khai quật cũng không có điều kiện để bảo tồn, tôn tạo để trở thành bảo tàng tại chỗ. Điều này đã hạn chế việc nghiên cứu cũng như phát huy giá trị nhiều mặt của di tích. Mặc dù số lượng di tích tiền - sơ sử khai quật còn ít nhưng đều là những di tích tiêu biểu cho các giai đoạn phát triển của thành phố, là những mắt xích quan trọng nối liền từ khoảng 3.000 năm trước đến nay. Đặc biệt giai đoạn 1 - 2 thế kỷ trước - sau Công nguyên là thời kỳ diễn ra quá trình chuyển biến từ các văn hóa thời tiền sử như văn hóa Đồng Nai, văn hóa Giồng Phệt sang nền văn minh Óc Eo của quốc gia cổ Phù Nam. Hay nói một cách khác, một trong những con đường hình thành nền văn minh Óc Eo đã thể hiện khá rõ từ các di tích KCH ở TP.HCM nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung.
Các di tích KCH lịch sử mới chỉ có 2 di tích được khai quật chính thức, đó là chùa Gò (Phụng Sơn tự), niên đại thế kỷ 5 và lò gốm cổ Hưng Lợi (thế kỷ18 - đầu thế kỷ 20). Hai di tích này cũng như nhiều di tích lịch sử khác nằm ở khu vực chịu tác động mạnh mẽ của những biến động xã hội, nhất là từ thế kỷ 19 đến nay. Quá trình đô thị hóa đã làm mất đi dấu tích của Gia Định thành (thành Quy) thời Gia Long, thành Phụng thời Minh Mạng, của Bến Nghé - Sài Gòn cuối thế kỷ 19 với những làng nghề, xóm nghề, xưởng thợ, phố chợ, cảng thị... trung tâm kinh tế - văn hóa lớn nhất của cả Đàng Trong từ thời các Chúa Nguyễn. Thay vào đó là một đô thị kiểu phương Tây với quy hoạch 2 trung tâm:
1. Sài Gòn (khu hành chính, công sở, công xưởng, nhà máy...), các công trình ở đây thường xây dựng trên các gò cao ven sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé - tuyến giao thông chính nối liền Gia Định với những nơi khác;
2. Chợ Lớn là khu thương mại, buôn bán, các làng nghề thủ công... phát triển dựa vào mạng lưới kênh rạch dày đặc làm đường giao thông và địa bàn chủ yếu mà cộng đồng người Hoa sinh sống bằng nghề thủ công và thương nghiệp.
Cho đến nay hai khu vực này vẫn phát huy tốt vai trò vị trí của mình trong sự phát triển nhanh chóng của thành phố qua mọi thời kỳ lịch sử. Chắc hẳn các nhà quy hoạch - kiến trúc ở TP.HCM đã có sự tìm hiểu nhất định về phương pháp quy hoạch của người Pháp từ hồi đầu thế kỷ XX về định hướng cho sự phát triển của thành phố tương lai... để tránh tình trạng quy hoạch của Nhà nước luôn đi sau sự phát triển tự phát của dân như hiện nay, nếu không, những khu đô thị - quy hoạch mới mãi mãi chỉ là những cái “làng có phố” mà thôi!