Nhiều bệnh nhân ung thư mất cơ hội sống vì quan niệm sai lầm sợ
Y học - Ngày đăng : 15:09, 15/09/2022
Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) vừa tổ chức lễ đón nhận bằng khen của Thủ tướng và kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Chẩn đoán - Điều trị Ung bướu. Dịp này, đơn vị chính thức ra mắt Viện Ung bướu và Y học Hạt nhân.
Tham dự chương trình có Thượng tướng Võ Minh Lương - thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông Nguyễn Văn Hiếu - phó bí thư Thành ủy TP.HCM, cùng đại diện đến từ các quân khu, cục thuộc Bộ Quốc phòng và lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM.
Điều trị ung thư ngày càng tiến bộ
Thiếu tướng, PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), cho biết điều trị ung thư ngày càng tiến bộ với các phương thức phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch, điều trị nội tiết...
Tùy tình trạng, giai đoạn bệnh, tính chất của khối u, bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp từng người, phối hợp nhiều biện pháp để mang lại hiệu quả tốt nhất. Một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp y học cổ truyền để hỗ trợ tốt cho người bệnh.
Viện Ung bướu và Y học Hạt nhân tiền thân là Trung tâm Chẩn đoán - điều trị ung bướu của Bệnh viện Quân y 175 được thành lập ngày 15-9-2012. Đây được xem là bước ngoặt đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Bệnh viện Quân y 175 trong tiến trình xây dựng thành Viện Ung bướu và Y học hạt nhân hiện đại hàng đầu khu vực.
Thiếu tướng, PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng)
Đại tá Đào Tiến Mạnh - Phó Giám đốc Viện Ung bướu và Y học Hạt nhân - cho biết nhiệm vụ của đơn vị là tiếp nhận, điều trị hầu hết các mặt bệnh ung thư như tuyến giáp, cổ tử cung, phổi, gan, não… Chẩn đoán bệnh bằng tia phóng xạ như tầm soát ung thư, xạ hình tim, xạ hình xương…
Viện còn được trang bị các hệ thống thiết bị hiện đại về chẩn đoán và điều trị ung bướu như máy SPECT, PET/CT, hệ thống máy xạ trị gia tốc LINAC, xạ trị áp sát, CT mô phỏng, máy đo độ tập trung I-131, định vị sinh thiết Maxio...
Các máy móc hiện đại này đã giúp phát hiện sớm, chẩn đoán nhanh chóng và chính xác tình trạng bệnh lý ung thư, từ đó thiết lập các bước điều trị hợp lý nhất mang lại kết quả điều trị khả quan cho người bệnh.
Đừng để mất cơ hội điều trị khỏi ung thư, sống tốt hơn
Chính vì vậy, các bác sĩ của Viện Ung bướu và Y học Hạt nhân cảm thấy rất tiếc nuối vì nhiều bệnh nhân ung thư vốn có thể sống lâu hơn, chất lượng cuộc sống tố hơn lại bỏ lỡ vì các quan niệm sai lầm như “bỏ đói tế bào ung thư”, “sợ đụng dao kéo”, sợ tác dụng phụ của hóa chất.
Bệnh nhân 65 tuổi (Bình Phước) suy kiệt nặng nề, nằm trên băng ca vào cấp cứu. 6 tháng trước, bà được chẩn đoán ung thư cổ tử cung. Lo ngại tác dụng phụ của hóa chất, gia đình đưa bà về nhà, uống thuốc nam tại quê nhà.
BS Lâm Trung Hiếu, phụ trách Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Viện Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), bệnh nhân này và người nhà đã từ chối phác đồ điều trị của Bệnh viện Quân y 175.
Các y bác sĩ của Viện Ung bướu và Y học hạt nhân vận hành hệ thống chụp PET-CT trong chẩn đoán bệnh ung thư
Theo lời kể gia đình, một thầy thuốc nam tại quê cam kết "chữa khỏi bệnh cho bà, không tác dụng phụ như hóa trị". Trải qua 40 ngày uống thuốc nam, kết hợp thực phẩm chức năng có thành phần giống bột sữa (dạng viên) của người thợ làm tóc gần nhà, người phụ nữ không còn nước tiểu, chân phù, phải quay trở lại viện.
Các bác sĩ lọc máu gần 10 ngày với nỗ lực cứu chức năng thận, song không thành công, không có nước tiểu trở lại. Bệnh nhân phải chuyển sang lọc máu chu kỳ mỗi tuần ba lần.
Lúc này, người nhà bày tỏ mong muốn ghép thận, sẵn sàng hóa trị. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân không cho phép ghép thận hay tiếp tục điều trị ung thư, chỉ chạy thận nhân tạo cầm cự qua ngày.
Theo BS Hiếu, nhiều người bệnh ung thư rời viện vì không muốn đối diện sự thật bị ung thư, lo lắng các tác dụng phụ, "sợ đụng dao kéo sẽ khiến khối u lan rộng".
Dù được bác sĩ giải thích về cơ hội khỏi bệnh, song nhiều người vẫn chọn tin tưởng vào những phương pháp thiếu cơ sở khoa học với lời đồn thổi "giúp nhiều người từng hết hẳn bệnh mà không tác dụng phụ". Khi quay lại, tình trạng đã quá nặng, bệnh nhân chỉ chăm sóc giảm nhẹ, không thể làm được gì hơn. Thậm chỉ, không ít bệnh nhân có điều kiện kinh tế, có trình độ.
Một trường hợp khác, người phụ nữ 44 tuổi (Bình Dương) được chẩn đoán ung thư trực tràng cách đây hai năm. Lúc ấy, bệnh đang ở giai đoạn sớm, khả năng khỏi bệnh cao, phục hồi tốt. Tuy nhiên do không muốn đụng dao kéo, bệnh nhân chọn cách ăn uống thực dưỡng với gạo lứt, nhiều loại đậu... để "bỏ đói tế bào ung thư". Sau đó, bệnh nhân dần suy kiệt, tái nhập viện trong tình trạng ý thức lơ mơ.
Một bệnh nhân ung thư khác từng là giảng viên đại học, hiện ăn uống, nói chuyện khó nhọc với khối lở loét chiếm trọn vùng cổ, được y bác sĩ giảm đau, thay băng hàng ngày. Bà phát hiện u tuyến nước bọt với kích thước rất nhỏ, giai đoạn rất sớm, khả năng phẫu thuật khỏi gần như chắc chắn. Tuy nhiên, bà chọn tu tập theo môn khí công, kết quả bệnh ngày càng trở nặng.
Bệnh nhân cần tin tưởng và thực hiện theo đúng phác đồ của bác sĩ chuyên khoa, chữa trị sớm nhất có thể, thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất giúp cơ thể chống chọi bệnh tật.
Bác sĩ khuyến cáo hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh ung thư có thể trị khỏi bằng đông y, thực phẩm chức năng hoặc các phương pháp dân gian, nhịn ăn, thực dưỡng, tu tập...
Việc tự ý điều trị, đặt niềm tin vào những lời quảng cáo, truyền miệng vừa tốn kém kinh tế vừa khiến người bệnh bỏ lỡ "giai đoạn vàng", mất cơ hội chiến thắng bệnh tật.
Theo Viện Ung bướu và Y học Hạt nhân, Bệnh viện Quân y 175, trung bình một tháng ở đây tiếp nhận khoảng 2.700 lượt bệnh nhân, trong đó khám bệnh khoảng 1.500 lượt và nhập viện điều trị hơn 1.600 lượt/tháng. Hằng ngày, bệnh nhân điều trị nội trú là 300 - 350, 150 - 200 bệnh nhân được điều trị ban ngày.
Đến nay, Viện Ung bướu và Y học Hạt nhân mà tiền thân là Trung tâm Chẩn đoán và Điều trị Ung bướu, Bệnh viện Quân y 175, có 5 Tiến sĩ (trong đó 1 Tiến sĩ được đào tạo tại Nhật Bản), 16 Thạc sĩ, 27 bác sĩ, kỹ sư có trình độ sau đại học trở lên trong tổng số 124 cán bộ, nhân viên đang làm việc tại đây. Cùng với đó, trung tâm luôn được sự quan tâm, đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại chuyên về chẩn đoán và điều trị Ung bướu như: máy SPECT, máy PET/CT, hệ thống máy xạ trị gia tốc LINAC, máy Xạ trị áp sát, máy CT mô phỏng, máy đo độ tập trung I-131, Máy định vị sinh thiết Maxio, thiết bị chuẩn liều, thiết bị inspector, buồng và tủ pha chế hóa chất, phòng nội soi: tiêu hóa, hô hấp, tai mũi họng, tiết niệu, sinh dục; Siêu âm qua nội soi phế quản, Kỹ thuật sinh thiết làm giải phẫu bệnh ... Các trang thiết bị và máy móc hiện đại này giúp phát hiện sớm, chẩn đoán nhanh chóng và chính xác tình trạng bệnh lý ung thư, từ đó thiết lập các bước điều trị hợp lý nhất mang lại kết quả điều trị khả quan cho người bệnh. |