“Rau gắn mác VietGAP dỏm”: Có thể bị xử lý hình sự vì “lừa dối khách hàng”
Y học - Ngày đăng : 18:08, 22/09/2022
Nhu cầu sử dụng những sản phẩm được quảng cáo là sạch và an toàn ngày càng trở nên phổ biến. Người dân sẵn sàng trả giá cao để mua các sản phẩm sạch, như "rau an toàn" và “đạt chuẩn VietGAP”, vì sức khỏe của bản thân và gia đình.
Thế nhưng, lợi dụng nhu cầu có thật ấy, nhiều tiểu thương, cửa hàng buôn bán các mặt hàng rau, củ đã “gắn mác” rau sạch, rau an toàn; không ít trường hợp “tự xưng” để bán được giá cao. Nhiều loại rau "bẩn" gắn mác giả ấy còn được bán trong siêu thị, nhất là trong các siêu thị có tiếng, được nhiều người dân tin tưởng. Hành vi gian dối ấy khiến dư luận rất bức xúc.
Hay như vụ việc, công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Đông A “hô biến” nông sản Trung Quốc thành nông sản Việt để đưa vào bán tại các siêu thị, trong đó có Bách Hóa Xanh.
Theo Luật sư Phan Thanh Bình, Đoàn Luật sư TPHCM, việc “mạo danh, gắn mác” sẽ bị phạt theo điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Mức phạt từ 500.000 đến 20 triệu đồng. Ngoài ra hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự theo tội "lừa dối khách hàng" quy định tại điều 198 bộ Luật Hình sự.
Luật sư Phan Thanh Bình nhấn mạnh: “Kinh doanh thực phẩm cần đạo đức của người kinh doanh hơn các quy định của pháp luật. Đối với doanh nghiệp chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Hơn thế nữa doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm càng liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của con người.”
Theo vị luật sư này, chất lượng, vệ sinh, an toàn hàng hóa càng quan trọng, nó không chỉ liên quan đến sự tồn vong của doanh nghiệp mà còn cả cộng đồng. Do đó doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật...
Trước tình trạng hàng trôi nổi hoặc hàng từ các chợ gắn mác “VietGAP” rồi đưa vào các hệ thống phân phối lớn, như siêu thị, Cục Quản lý Thị trường TPHCM vừa có chỉ đạo khẩn việc kiểm soát rau, củ, quả trên địa bàn thành phố cũng như xử lý các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Các cơ quan chức năng điều tra, xác minh rau VietGAP dỏm “biến hình” vào các siêu thị lớn, cửa hàng. Ảnh minh họa
Quản lý thị trường sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan, đặc biệt là Ban Quản lý An toàn Thực phẩm, tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tập kết, phân loại, đóng gói, kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc hoặc gian lận về nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác.
Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) cũng yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra, xác minh rau VietGAP dỏm “biến hình” vào các siêu thị lớn, cửa hàng.
Theo đó, một số công ty đã thu gom rau ở chợ đầu mối đưa về đóng gói, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị và cảnh báo hiện tượng vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.
Nafiqad đề nghị các cơ quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, quyền lợi người tiêu dùng…
Đối với địa bàn TPHCM, Lâm Đồng, Nafiqad đề nghị Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM, Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Lâm Đồng tổ chức điều tra, xác minh nội dung thông tin đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh có trụ sở đóng trên địa bàn quản lý và truy xuất, thu hồi, xử lý vi phạm theo hướng dẫn nêu trên.
Một số đơn vị như chuỗi siêu thị 3Sạch, chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+… thông báo đã ngừng nhập và rút toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp Trình Nhi (Công ty TNHH nông sản Trình Nhi hay còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods) ra khỏi quầy kệ bán hàng.
Bách Hóa Xanh cũng cho biết họ đã ngay lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp Đông A và yêu cầu nhà cung cấp này phải giải trình về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và quy trình cung ứng..