Người bệnh chịu thiệt khi điều dưỡng gánh nhiều việc

Y học - Ngày đăng : 15:55, 28/10/2022

Khi một điều dưỡng phải chăm hàng chục bệnh nhân, đừng đòi hỏi họ làm mọi thứ đều tốt. Đây là điều không thể. Đừng bao giờ quy chuẩn chất lượng phục vụ cho điều dưỡng khi chúng ta chưa có chuẩn về số lượng bệnh nhân mà họ chăm sóc”. BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác Xã hội, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận định.

Từng là người đứng ra phân xử những khiếu nại của bệnh nhân về thái độ phục vụ của điều dưỡng, từng nhiều lần hứng chịu những trách móc từ cha mẹ bệnh nhi khi họ cho rằng gọi hoài không thấy điều dưỡng trả lời, BS. Khanh một mặt chấn chỉnh nội bộ, mặt khác vẫn thấu hiểu cho các điều dưỡng. Bởi hơn ai hết ông biết, họ đã quá tải công việc. Sự chậm trễ hay thái độ phục vụ thiếu vui vẻ đôi khi cũng là điều không thể tránh khỏi.
Ở các nước tiên tiến, một điều dưỡng chăm 3 bệnh nhân. Ở ta, một điều dưỡng có khi trông đến 30 người bệnh. Khỏi phải bàn cãi hay tranh luận. Chỉ nêu ra con số đủ để thấy dẫu có ba đầu sáu tay, điều dưỡng cũng không thể kham một cách chu toàn tất cả những công việc đã được định khung, quy chuẩn. Đó là chưa kể họ phải làm hàng tỷ việc khác. Những việc lẽ ra không phải của mình.  
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ điều dưỡng trên dân số Việt Nam đang rất thấp so với thế giới, trung bình 11,4/10.000 dân. Số điều dưỡng trên một bác sĩ nước ta cũng rất thấp. Trên thế giới, cứ một bác sĩ có 3 - 4 điều dưỡng, Nhật Bản đến 9 - 10 điều dưỡng, còn Việt Nam một bác sĩ chưa đến 2 điều dưỡng.
Lấy một ví dụ, theo BS. Khanh, người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân tại tất cả các bệnh viện không phải là bác sĩ mà là điều dưỡng. Bác sĩ sau đó đến khám. Cho y lệnh và y lệnh của bác sĩ muốn tới được bệnh nhân thì phải do điều dưỡng, chỉ cần điều dưỡng thực hiện sai y lệnh thì công khám, công cho y lệnh của bác sĩ sẽ vô nghĩa. Như vậy có thể nói, điều dưỡng chính là cầu nối quyết định giữa bác sĩ với bệnh nhân. “Cầu nối này rất quan trọng. Nếu không đào tạo điều dưỡng, không giải phóng điều dưỡng để họ làm việc thực sự thì chắc chắn là công bác sĩ, y lệnh của bác sĩ sẽ không có ý nghĩa gì”, BS. Khanh nhấn mạnh.
Vậy y lệnh được nói miệng hay ghi chép. Y lệnh được ghi trong hồ sơ, không chỉ sau khi khám mà cả sau khi mổ bác sĩ cũng cho y lệnh và quan trọng là người điều dưỡng sẽ theo dõi sau khi y lệnh có xuất hiện điều gì đó đặc biệt, trong quá trình diễn tiến bệnh, bệnh nhân có bất thường thì điều dưỡng tiếp cận đầu tiên.
Một câu y lệnh của bác sĩ có thể điều dưỡng làm suốt ca không hết việc. Hiện một ca của điều dưỡng có thể 8 tiếng, hoặc trực đến 12 tiếng. Với nhiệm vụ là cầu nối giữa bác sĩ và bệnh nhân, điều dưỡng không chỉ thực hiện những y lệnh mang tính chuyên môn mà còn là người chăm sóc, giải thích mọi việc với bệnh nhân, với người nhà bệnh nhân. Tất cả thời gian nằm viện của bệnh nhân đều do điều dưỡng chăm nom. Chỉ lúc xử lý cấp cứu có gì bất thường thì bác sĩ mới xuất hiện. Ngoài ra những bệnh nhân nặng, vệ sinh, cho ăn qua xông, xoay trở, lau tắm... dù có hộ lý nhưng thấy ngay trước mắt, điều dưỡng vẫn phải xông vào làm.
“Hiện chúng ta luôn muốn quản lý chất lượng công việc của điều dưỡng làm nhưng lại không công bằng với họ. Chúng ta đưa ra rất nhiều yêu cầu chất lượng nhưng không thực hiện việc khống chế số lượng bệnh mà điều dưỡng phụ trách. Thay vì một điều dưỡng theo dõi 3 bệnh thì hiện nay một điều dưỡng phải gánh rất nhiều bệnh nhân. Chúng ta có chuẩn quản lý chất lượng chăm sóc nhưng lại không có chuẩn số lượng”, BS. Khanh nói.
Làm việc vất vả nhưng thu nhập của điều dưỡng rất thấp, thêm nữa điều dưỡng rất khó để có thể kiếm tiền thêm bên ngoài bởi họ không còn thời gian rảnh, rời bệnh viện có muốn làm chuyện khác chắc cũng khó còn sức lực, thêm nữa tính chất công việc muốn làm thêm liên quan đến nghề là rất khó (thời gian làm việc không theo trình tự). Cuộc sống điều dưỡng rất vất vả. Điều này cuối cùng bệnh nhân là người bị ảnh hưởng, nhất là bệnh nhân nghèo.
Theo thống kê, khoảng 70% công việc tại bệnh viện do điều dưỡng thực hiện nhưng thu nhập chỉ 7 - 8 triệu đồng một tháng, nhiều người nghỉ việc, tuyển dụng nhân sự khó khăn. Chưa hết, các điều dưỡng trung cấp hiện gặp khó khăn trong việc học tập để nâng chuẩn trình độ lên cao đẳng, đại học. Mặt khác, kinh phí đào tạo cho chương trình cử nhân, cao đẳng điều dưỡng khá cao, mỗi năm tiêu tốn 35 - 40 triệu đồng học phí, nhưng khi ra trường công việc vất vả, lương thấp, không có chế độ ưu đãi nên số lượng người nộp đơn theo học càng giảm.

Số lượng công việc của điều dưỡng luôn quá tải.


Từ những điều đã nói ở trên, lượng người rời nghề điều dưỡng ngày càng nhiều và lượng người vào nghề điều dưỡng ngày càng ít. Thiếu điều dưỡng trở thành hồi chuông cảnh báo.
Cụ thể, niên khóa hiện tại, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tiếp nhận 781 đơn đăng ký học điều dưỡng, giảm 66% so với năm trước và tình hình này cũng phổ biến tại các trường có đào tạo chuyên ngành điều dưỡng. Vấn đề cấp bách đến mức Sở Y tế TP.HCM đã gặp gỡ các chuyên gia và lắng nghe những kiến nghị, giải pháp trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện công lập.
“Sai lầm hiện nay là quy chuẩn cử nhân trong đào tạo. Việc bỏ hệ trung cấp, chỉ lấy cao đẳng cử nhân sẽ dẫn đến chuyện thiếu người. Cứ lấy trung cấp rồi cho họ làm và từ thực tế công việc họ giỏi lên dần, chứ một khi học được đến cao đẳng, cử nhân thì họ lại không chọn làm điều dưỡng”, BS. Trương Hữu Khanh nói.
Còn theo bà Trần Thị Châu, Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Điều dưỡng TP.HCM, cần có chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên ngành điều dưỡng để thu hút tuyển sinh, hỗ trợ kinh phí đào tạo, nâng cao năng lực, tay nghề. Đồng thời các bệnh viện phải “đặt hàng” cho các trường tuyển sinh và đào tạo các nhóm nghề phù hợp với nhu cầu thực tế đơn vị.
Thay đổi tiếp theo, theo các chuyên gia, là giảm bớt những công việc không quan trọng cho người điều dưỡng, hiện nay điều dưỡng phải ghi chép rất nhiều, khi có vấn đề mở lại hồ sơ xem điều dưỡng có ghi chép không. Điều này dễ dẫn đến chuyện điều dưỡng phải ghi chép cho đủ mọi thứ mình phải làm nhưng lại không làm, hoặc có những người làm nhiều nhưng không ghi chép thì công việc coi như cũng không hoàn thành.
Lãnh đạo ngành y tế cần bàn bạc để có giải pháp cắt bớt những việc không quan trọng cho điều dưỡng, điều này phải bàn bạc nghiêm túc để giảm tải công việc. Điều dưỡng không thể như hiện nay cứ phải ngồi gõ máy hành chính, điều dưỡng không thể lo về dược, ngồi gõ thông tin về thuốc... Cần thiết phải tìm người thay thế sao cho đúng người đúng việc, khi ấy điều dưỡng mới có đủ thời gian dành cho bệnh nhân.
“Hãy trả người điều dưỡng về đúng vị trí chuyên môn là chăm sóc người bệnh, không để điều dưỡng phải làm công việc văn phòng, cần bổ sung các vị trí nhân viên nhập liệu, thư ký y khoa để làm việc tại các vị trí hành chính trong bệnh viện nhằm tránh gây lãng phí nguồn nhân lực điều dưỡng”, ThS. Điều dưỡng Bùi Thị Hồng Ngọc, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM nêu ý kiến.
Còn theo ThS. Điều dưỡng Võ Thị Ngọc Diệp, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Hùng Vương, cần bổ sung loại hình nhân viên y tế trợ lý điều dưỡng. Những người này sẽ hỗ trợ điều dưỡng trong chăm sóc sinh hoạt của người bệnh trong thời gian nội trú, điều này giúp giảm tải khối công việc quá lớn mà mỗi điều dưỡng hiện phải làm.
Việc tiếp theo cũng được các chuyên gia y tế và cả người điều dưỡng quan tâm. Đó là phải nâng lương và tạo mọi điều kiện cho điều dưỡng có thêm thu nhập trong bối cảnh làm dịch vụ. Nơi nào có thể chuyển thành dịch vụ thì nên tạo điều kiện cho người điều dưỡng tham gia chứ không nên bắt họ phải hy sinh bằng lời hứa điều dưỡng, lương y như từ mẫu chỉ nói cho những ai đã có điều kiện kinh tế.
Gánh nặng cơ bản không giải quyết được thì điều dưỡng sẽ tất yếu đi làm bên ngoài hoặc bỏ nghề, hoặc không chọn vào nghề. Hậu quả cuối cùng là người bệnh nghèo điều trị tại các cơ sở công lập sẽ gánh chịu.
Trước tình hình biến động về nhân lực của hệ thống y tế công lập, Ngành Y tế đã nhận được sự quan tâm, động viên và các giải pháp trước mắt của Thành phố, cụ thể là: 
Thành phố hỗ trợ thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố; Cho phép Ngành y tế bổ sung nhân lực chuyên môn (bác sĩ, điều dưỡng) đã nghỉ hưu có nhiều kinh nghiệm và có sức khỏe tốt cho hệ thống y tế cơ sở, đồng thời cho phép bổ sung chức danh bảo vệ, hộ lý cho các trạm y tế (theo Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 7/4/2022 của Hội đồng nhân dân Thành phố).
Triển khai “Chương trình thí điểm thực hành lâm sàng tại Bệnh viện đa khoa gắn với Trạm Y tế dành cho bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh đa khoa”, đảm bảo các trạm y tế được bổ  sung từ 1 đến 2 bác sĩ thực hành tổng quát, các bác sĩ đến thực hành tại các trạm y tế nhận được kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Thành phố.

Trong khi thu nhập lại luôn ở mức khiêm tốn.


Riêng đối với nguy cơ thiếu hụt nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện công lập, Ngành Y tế Thành phố đã kiến nghị UBND Thành phố có cơ chế, chính sách giúp tăng thu nhập cho đội ngũ điều dưỡng. Trước mắt, ưu tiên giải quyết thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND cho tất cả điều dưỡng hiện đang công tác tại các cơ sở y tế công lập thuộc Thành phố, bao gồm cả diện hợp đồng chuyên môn. Sở Y tế kiến nghị UBND Thành phố có văn bản đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp đến ngày 1/1/2026 và gia hạn thời gian chuẩn hóa trình độ cao đẳng đối với những trường hợp đã được tuyển dụng trình độ trung cấp đến ngày 31/12/2030. Đồng thời cho phép các trường thuộc khối ngành sức khỏe tiếp tục đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp để làm những công việc không đòi hỏi chuyên môn cao.

THIÊN CHƯƠNG