Cảnh báo nhiễm toan ceton do đái tháo đường
Y học - Ngày đăng : 16:14, 28/10/2022
Xã hội ngày càng phát triển, bên cạnh những tiện ích mà nó mang lại, tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính không lây cũng không ngừng gia tăng. Đái tháo đường là một trong số các bệnh lý đặc trưng của xã hội hiện đại. Đái tháo đường được mệnh danh là một “sát thủ” thầm lặng.
Chúng ta không chết vì đái tháo đường, mà chết vì các biến chứng mà nó gây ra như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy thận, hoại tử chi, mù lòa... Một trong các biến chứng nguy hiểm thường gặp nhưng ít người biết và quan tâm đến là nhiễm toan ceton do đái tháo đường. Vậy tình trạng này là gì? Dấu hiệu ra sao? Làm thế nào để phòng ngừa?
Nhiễm toan ceton do đái tháo đường là một tình trạng cấp cứu có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Tình trạng này thường xảy ra ở những bệnh nhân đái tháo đường type 1, tuy nhiên nó vẫn có thể xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 và thậm chí là ở đái tháo đường thai kỳ.
Bình thường cơ thể chúng ta sử dụng đường trong máu như một nguồn nguyên liệu để tạo ra năng lượng cho mọi hoạt động sống. Tuy nhiên, muốn dùng được đường thì cần một chất gọi là insulin. Nhiễm toan ceton xảy ra khi thiếu hụt insulin quá nhiều, dẫn đến việc cơ thể không sử dụng được đường và phải phân hủy mỡ dự trữ để tạo năng lượng. Việc phân hủy mỡ tạo nên các chất được gọi là thể ceton, khi lượng ceton trong máu nhiều dẫn đến biến chứng nhiễm toan ceton. Hậu quả làm bệnh nhân mất nước, lơ mơ, hôn mê, suy thận và các cơ quan khác, nặng nhất có thể gây tử vong.
Những nguyên nhân và yếu tố dễ dẫn đến nhiễm toan ceton gồm:
- Đường huyết kiểm soát không tốt: do không tuân thủ điều trị, tự ý ngưng thuốc hoặc sử dụng thuốc không đúng cách. Ví dụ: sử dụng bút tiêm insulin không đúng cách.
- Nhiễm trùng ở các cơ quan như phổi, đường tiểu, tiêu hóa, da...
- Các tình trạng bệnh nặng cấp tính như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não...
- Đặc biệt hay gặp ở người Việt Nam là việc tự ý sử dụng các thuốc gia truyền điều trị đái tháo đường không rõ nguồn gốc.
Các dấu hiệu và triệu chứng gợi ý nhiễm toan ceton thường gặp:
- Khát nước và uống nước nhiều.
- Tiểu nhiều.
- Sụt cân.
- Đau bụng.
- Buồn nôn, nôn.
- Hơi thở có mùi trái cây chín.
- Lơ mơ, hôn mê.
Khi có những triệu chứng nêu trên, chúng ta cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị phù hợp.
Làm cách nào để phòng tránh biến chứng nhiễm toan ceton?
- Sử dụng các thuốc điều trị đái tháo đường đúng chỉ định và đúng cách, không được tự ý ngưng thuốc uống cũng như insulin chích. Nếu không rõ cách dùng nên liên hệ ngay với các trung tâm y tế gần nhất để được hướng dẫn cụ thể.
- Đặc biệt là tuyệt đối không được tự ý sử dụng các thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc mà không có chỉ định của bác sĩ.
- Thường xuyên kiểm tra đường huyết, đặc biệt trong những trường hợp có tình trạng bệnh cấp tính như nhiễm trùng...
- Uống đủ nước, đặc biệt ở những người bệnh sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường dạng uống và có tình trạng nhiễm trùng, sốt.
- Không nên tập thể dục quá sức khi mức đường huyết cao trên 200 mg/dl (trên 11,1 mmol/l).
- Tái khám ngay hoặc liên hệ với các trung tâm y tế gần nhất nếu có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm toan ceton và/hoặc có mức đường huyết cao.
Có thể nói nhiễm toan ceton là biến chứng thường gặp và nguy hiểm đến tính mạng của bệnh đái tháo đường. Nhiễm toan ceton không chừa bất kỳ ai. Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng tránh nó bằng cách tuân thủ điều trị, theo dõi đường huyết thường xuyên và nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh để đến khám và được điều trị thích hợp.
Các nguyên nhân khiến tăng đường huyết
Ăn nhiều chất ngọt - chất ngọt nhân tạo là một trong những nguyên nhân làm tăng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường.
Thói quen tiêu thụ các chất ngọt nhân tạo không chứa calo sẽ dẫn tới việc dung nạp glucose và tăng nồng độ đường trong máu, đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Nhóm thực phẩm giàu chất béo - Mặc dù nhóm thực phẩm giàu chất béo không trực tiếp làm tăng lượng đường trong máu, tuy nhiên đây lại là nguyên nhân gây kháng insulin, bên cạnh đó ăn những thực phẩm giàu chất béo sẽ mất nhiều thời gian để tiêu hóa - điều này cũng làm cho mức đường huyết biến động tăng lên trong nhiều giờ.
Lười vận động thể chất - Lười vận động làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Do đó, để phòng ngừa cũng như kiểm soát lượng đường trong máu, bạn cần tăng cường vận động, việc vận động không chỉ giúp duy trì một cân nặng mà còn giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim, đặc biệt, đối với người bệnh đái tháo đường, các hoạt động thể chất kích thích độ nhạy cảm insulin của cơ thể, loại bỏ đường ra khỏi máu và chuyển hóa nó thành năng lượng.
Mất ngủ thường xuyên là nguyên nhân gây tăng đường huyết và khó kiểm soát lượng đường trong máu ở người bệnh đái tháo đường. Nhiều các cuộc điều tra về mối liên quan giữa giấc ngủ với sức khỏe cho thấy, việc ngủ không đủ có thể dẫn tới lượng đường trong máu tăng đột biến.
Chăm sóc răng miệng kém cũng là một trong các nguyên nhân. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra vệ sinh răng miệng không sạch sẽ, nướu răng có thể sản xuất các phân tử gây hại theo một số cách, một trong số đó là làm tăng đường huyết.