Bệnh án điện tử ngoại trú: Người bệnh chủ động “quản lý” thông tin sức khỏe
Y học - Ngày đăng : 21:04, 08/12/2022
Không còn nỗi lo thiếu đơn thuốc, giấy xét nghiệm cũ
Ông Mai Q. B. (47 tuổi, ngụ Châu Đốc, An Giang) đã đi tái khám ở Bệnh viện An Sinh hôm 7/12/2022, ông được chẩn đoán là bị hội chứng dạ dày, theo dõi viêm gan siêu vi B, rối loạn lipid máu, tăng men gan… Khoảng 7g30 ông B vào khám và được chỉ định các xét nghiệm như nội soi, xét nghiệm máu - nước tiểu, chụp X-quang phổi, điện tâm đồ. Đến khoảng 9 giờ, tất cả các kết quả xét nghiệm đều đã được trả về tài khoản cá nhân của bệnh nhân và trên hồ sơ bệnh án điện tử ngoại trú của bác sĩ.
Người bệnh khi đến khám tại Bệnh viện An Sinh.
“Bây giờ, tôi cứ đăng ký, lấy số khám. Đơn giản vậy thôi, không còn lo phải cầm nắm một đống giấy tờ phức tạp, lo thiếu sổ khám bệnh cũ, phim chụp, mất toa thuốc cũ… Khám bệnh tại Bệnh viện An Sinh bây giờ vô cùng tiện lợi, không phải chờ đợi lâu, không tha lôi theo túi lớn, bao nhỏ. Tinh thần thoải mái hơn. Kết quả ra rất sớm. Với điện thoại thông minh, hiện tại tôi đã nhận kết quả xét nghiệm, chủ động so sánh được với những lần khám trước” - ông B. cho biết.
TS.BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện An Sinh, cho biết, qua cập nhật thông tin bệnh án điện tử ngoại trú, ghi nhận, lần khám đầu tiên của bệnh nhân Mai Q. B là từ ngày 12/4/2018. Sau đó, bệnh nhân có đến khám vào ngày 24/6/2020…
“Bệnh nhân hoàn toàn có thể tự theo dõi trình tự thời gian khám bệnh, các kết quả xét nghiệm tương ứng… Bệnh nhân biết được 4 thông tin của cá nhân gồm thông tin hành chính, biểu đồ cơ bản tóm tắt sức khỏe, lịch sử thông tin sức khỏe và sổ khám bệnh…” - TS.BS Nguyễn Thanh Phong cho biết.
Từ hồ sơ bệnh án điện tử ngoại trú, người bệnh rất thuận tiện trong việc theo dõi bệnh tình cũng như có thể tái khám ở bất cứ bệnh viện nào, không nhất thiết là ở Bệnh viện An Sinh vì tất cả thông tin đều nằm gọn trong cái điện thoại thông minh. Ví dụ như bệnh nhân là Phạm V. T (sinh năm 1963, Q. Bình Tân, TP.HCM) đã đi khám tại Bệnh viện An Sinh được 39 lần và tổng số bệnh lý đang được theo dõi quản lý là: bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin, cao huyết áp vô căn (nguyên phát) và tăng lipid máu. Bệnh nhân còn biết được các dấu hiệu sức khỏe cơ bản nhất: huyết áp (10 lần khám gần nhất), mạch, nhịp thở. Bệnh nhân cũng được đánh giá các yếu tố cá nhân như sử dụng rượu bia, thuốc lá, tiền căn dị ứng…tất cả các thông tin được lưu trữ và cập nhật.
Theo dõi bệnh án ngoại trú dễ dàng trên thiết bị điện tử.
Qua đó, bác sĩ cũng dễ dàng đánh giá tình trạng sức khỏe, diễn tiến bệnh tật của từng bệnh nhân. Không chỉ có vậy, hồ sơ bệnh án điện tử còn ghi nhận lại tất cả các bác sĩ đã thực hiện thăm khám, các xét nghiệm, chỉ định thuốc… ở mỗi lần thăm khám. Hành trình theo dõi và điều trị bệnh tật được theo dõi một cách dễ dàng, thuận tiện.
Bệnh án điện tử ngoại trú giúp người bệnh tiết kiệm chi phí
TS.BS. Nguyễn Thanh Phong chia sẻ: “Từ những năm 2006, khi Bệnh viện An Sinh đi vào hoạt động, chúng tôi bắt đầu nung nấu xây dựng một hệ thống quản lý bệnh án. Bởi nhiều lẽ: hồ sơ giấy rất nhiều, bệnh nhân khó lưu trữ nên các bệnh án giấy không liền mạch; BS khó theo dõi vì bệnh nhân có thể đi khám ở nhiều BS khác nhau; Chất lượng phim X-quang cũng dần bị suy giảm theo thời gian, toa thuốc, các kết quả xét nghiệm… bị thất lạc”.
Đăng ký khám tại Bệnh viện An Sinh.
Năm 2019, Bệnh viện An Sinh bắt đầu xây dựng và triển khai bệnh án điện tử (EMR) tại khoa nội trú. Việc thay đổi thói quen từ sử dụng bệnh án giấy bao năm qua sang bệnh án điện tử không phải là điều dễ dàng, do vậy tổ công nghệ thông tin phải bám sát từng ngày ở các khoa lâm sàng. Các BS từ hoạt động khám chữa bệnh, tiếp cận bệnh nhân đã bắt đầu đưa ra các đầu bài, đặt hàng cho đội công nghệ thông tin xây dựng giải pháp quản lý bệnh án điện tử, kịp thời điều chỉnh để đảm bảo công tác chuyên môn không bị gián đoạn và cũng đảm bảo được thông tin hồ sơ bệnh án phải chính xác trong thời gian bệnh nhân nằm viện và theo dõi.
Đến nay, 100% các khoa phòng nội trú tại Bệnh viện An Sinh đã áp dụng EMR nội trú. Kết quả kiểm tra chất lượng bệnh viện cuối năm 2021, đoàn Sở Y tế TP.HCM cũng đánh giá cao mô hình EMR nội trú của Bệnh viện An Sinh.
Với EMR nội trú, các BS của Bệnh viện An Sinh triển khai để phục vụ tốt hơn công tác điều trị của nhân viên y tế và công tác quản lý, người bệnh nội trú không nhận ra sự khác biệt đó, người bệnh không hưởng lợi trực tiếp kết quả này dù đó là bệnh án giấy hay bệnh án điện tử.
Ngược lại, EMR ngoại trú ngoài phục vụ chuyên môn và công tác quản lý, EMR ngoại trú có thêm 1 tính năng là cung cấp cho bệnh nhân quyền truy cập hồ sơ sức khỏe cá nhân của mình một cách nhanh chóng, thuận tiện dù ở bất kỳ đâu. EMR là giải pháp công nghệ hữu hiệu trong việc quản lý hồ sơ sức khỏe cho bạn và gia đình bạn trong thời đại 4.0. Theo đó, bệnh nhân dễ dàng truy cập chỉ với vài thao tác đơn giản trên thiết bị số có kết nối internet (Wifi, 3G, 4G, 5G).
“Bệnh nhân có thể mang hình ảnh này đi bất kỳ đâu để khám bệnh, hội chẩn tại các bệnh viện khác cũng như ở nước ngoài. Điều này giúp giảm được chi phí cho bệnh nhân khi đi khám bệnh vì không phải trả tiền cho việc in phim. Cụ thể, tùy khổ phim, bệnh nhân có thể tiết kiệm được 40.000 – 80.000 đồng/lần” - Vị Trưởng khoa Khám bệnh của Bệnh viện An Sinh cho biết.
Ông cho biết thêm, tại Bệnh viện An Sinh, trung bình mỗi ngày có 45 - 50 BS tại các phòng khám của Khoa Khám bệnh ngoại trú bao gồm các chuyên khoa và khoảng 600 – 700 phim X-quang được chụp mỗi ngày. Vì vậy, bệnh án điện tử thật sự đã giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi cũng như giảm chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Đồng thời, việc lưu trữ hình ảnh X.quang lên nền tảng số cũng giúp giảm được rác thải từ các tấm phim.
“Bệnh viện không cần in phim X-quang mà bệnh nhân vẫn có thể xem phim trực tiếp trên thiết bị di động với chất lượng phim có độ nét cao. Trong tương lai, chúng tôi tiến tới giảm in các kết quả xét nghiệm ra giấy. Như vậy, BV càng phát triển xanh hơn, giảm phát thải rác ra môi trường. Trong khi đó, các dữ liệu về sức khỏe bệnh nhân vẫn được lưu giữ tốt hơn” - TS.BS. Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.
Theo TS.BS. Thanh Phong, việc sử dụng các công nghệ theo chuẩn quốc tế như hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS)…, Bệnh viện An Sinh đang hòa nhập chủ trương kết nối và chuyển đổi số của Bộ Y tế nói chung, và UBND TP.HCM cùng Sở Y tế TP.HCM nói riêng.
Trong buổi làm việc với Sở Y tế TP.HCM vào đầu năm 2022 về duyệt các nội dung triển khai thực hiện nhiệm vụ của Sở Y tế năm 2022, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thống nhất với Sở Y tế TP.HCM về các nhóm giải pháp triển khai hoạt động trong năm 2022. Ông Dương Anh Đức nhấn mạnh, đối với các đề án cần thực hiện năm 2022, Sở Y tế TP.HCM cần nhanh chóng thực hiện dứt điểm các đề án, đặc biệt là các đề án chuyển đổi số, trong đó có hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân TP.HCM.
Ngoài công tác chuyên môn khám bệnh, tổ chức công việc với vị trí Trưởng khoa Khoa Khám bệnh, Bệnh viện An Sinh, TS.BS Nguyễn Thanh Phong còn tham gia công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Y Dược An Sinh với vai trò là PhóViệntrưởng.
Nhiệm vụ của Viện là đào tạo và cấp chứn.g chỉ đào tạo liên tục (CME) cho nhân viên y tế tại các BV trong thành phố và trong cả nước thì công tác nghiên cứu khoa học cũng là nhiệm vụ chính của Viện. Nhiều đề tài nghiên cứu được nghiệm thu, đánh giá thành công có kết quả tốt. Hiện nay đề tài nghiên cứu khoa học mà TS.BS Nguyễn Thanh Phong đang tham gia là "Nghiên cứu kết hợp 2 giai đoạn I/II, đơn nhóm, nhãn mờ, đánh giá tính an toàn và hiệu quả hỗ trợ điều trị đái tháo đường type 2 của dịch nổi môi trường nuôi cấy tế bào gốc trung mô người (StemSup)".
Đề tài này đã được Bộ Y tế nghiệm thu đánh giá bước đầu có tính an toàn khi sử dụng StemSup trên bệnh nhân đái tháo đường và nhóm nghiên cứu đề tài chuẩn bị tiếp tục nghiên cứu các pha tiếp theo để đánh giá tính hiệu quả của nó.