Liệu pháp tế bào gốc: Tương lai không cần cấy ghép tạng

Y học - Ngày đăng : 15:12, 20/12/2022

Mới đây, Hội Tĩnh mạch học TP.HCM kết hợp với Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP.HCM tổ chức hội thảo về ứng dụng công nghệ tế bào gốc - kỳ tích của nền y học đương đại. Qua đó giúp cơ thể con người khỏe mạnh, chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM, khoa học y sinh phát triển, ghép tế bào gốc trị bệnh hiểm nghèo ngày càng hiệu quả, tạo ra một cuộc cách mạng trong y học.

“Nghiên cứu tế bào gốc và kỹ thuật mô sẽ giúp tái tạo mô dễ dàng hơn nên thế kỷ 21 là thế kỷ của y sinh học, sinh học tế bào, y học phân tử và tế bào gốc. Nghiên cứu tế bào gốc mang lại tiềm năng to lớn trong điều trị lâm sàng và có thể được sử dụng để thay cho các tế bào bị thiếu hoặc bị tổn thương gây trọng bệnh. Đặc biệt là các rối loạn di truyền, ung thư, bệnh tim mạch, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, chấn thương tủy sống, đột quỵ, bỏng, tiểu đường, viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp…,” PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam cho biết.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y, dược đang phát triển với tốc độ rất nhanh, đặc biệt từ công nghệ tế bào (tế bào gốc, dịch chiết tế bào, tế bào miễn dịch,...) đã tạo ra nhiều sản phẩm, kỹ thuật, phương pháp, liệu pháp, quy trình mới với mục đích ứng dụng trong hoạt động y tế, nâng cao sức khỏe con người (sau đây gọi chung là phương pháp tế bào).

Tại TP.HCM, việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh lý huyết học, ung thư máu được thực hiện tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học. Một số bệnh viện tư nhân cũng được cấp phép thực hiện tế bào gốc. Ảnh tư liệu

Tại Hội nghị Tế bào gốc TP.HCM (9/12/2022), theo PGS.TS.BS Trần Công Toại, Chủ tịch Hội Tế bào gốc TP.HCM, nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc là một lĩnh vực còn khá mới không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới. Đây được gọi là "phát hiện của thế kỷ" với rất nhiều ứng dụng hiệu quả vào y sinh học và thẩm mỹ.

Những năm qua, nhiều căn bệnh nguy hiểm liên quan đến đường hô hấp, một số loại ung thư như ung thư máu, các chứng bệnh về xương khớp... đã được ứng dụng tế bào gốc để điều trị thành công tại nhiều bệnh viện nước ta. Tế bào gốc cũng đã được ứng dụng hiệu quả tại Việt Nam trong việc trẻ hóa da, chống lão hóa, nâng cao hệ miễn dịch phòng bệnh, kéo dài tuổi thọ.

Tại TP.HCM, việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh lý huyết học, ung thư máu được thực hiện tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2... Một số bệnh viện tư nhân cũng được cấp phép thực hiện tế bào gốc.

Một số bệnh viện công cũng tham gia hợp tác nghiên cứu nhưng chưa đầu tư triển khai, bởi đòi hỏi phải đầu tư hệ thống phòng lab, dây chuyền sản xuất, quản lý dây chuyền...

Tuy nhiên, PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam cho rằng, rất nhiều tiến bộ đã đạt được trong một thời gian tương đối ngắn khi các nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng trên khắp thế giới cũng như tại Việt Nam đang khám phá triển vọng cấy ghép tế bào gốc cho những bệnh nhân mắc bệnh suy nhược và tình trạng thoái hóa.

Tại TP.HCM, việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh lý huyết học, ung thư máu được thực hiện tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2...

“Bất chấp tất cả sự nhiệt tình về việc phát hiện ra tế bào gốc và tiềm năng to lớn của chúng, trong nhiều trường hợp, các ứng dụng và phương pháp chữa trị liên quan đến tế bào gốc không phải là điều dễ hiểu, và đơn giản. Ít nhất có hai trở ngại lớn cản trở mục tiêu này.

Rào cản kỹ thuật đầu tiên là khó khăn trong việc điều khiển các tế bào để biệt hóa thành mô mong muốn một cách có thể tái tạo và dự đoán được, và không có gì khác, chỉ ra rõ ràng nhiều câu hỏi cơ bản liên quan đến sinh học của tế bào gốc cần phải được trả lời,” PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Ngoài ra, rào cản thứ hai không kém phần nan giải đó là hàng rào pháp lý liên quan tới khía cạnh đạo đức của công nghệ tế bào gốc một khi nó ứng dụng sai mục đích.

Một số phương pháp tế bào mới được áp dụng trong khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa tuân thủ đúng các quy định về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng theo quy định. Chính vì vậy, từ năm 2019, Bộ Y tế đã có văn bản về việc tuân thủ quy định về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đối với phương pháp tế bào.

ThS.BS Lê Thị Bích Phượng, Phó Chủ tịch Hội Tế bào Gốc TP.HCM (phụ trách mảng ứng dụng tế bào gốc), nhấn mạnh, coi tế bào gốc như một công cụ điều trị, nếu đúng chỉ định, đúng người bệnh và đúng về cơ chế bệnh sinh thì tế bào gốc sẽ phát huy được hết vai trò.

“Còn nếu hiểu tế bào gốc giống như một công cụ vạn năng, tức đã “thần thánh hóa”, nếu quá trông cậy vào tế bào gốc, có thể đâu đó thấy thất bại vì đã định nghĩa sai ngay từ đầu,” ThS.BS Bích Phượng nói.

Nguồn tế bào gốc sử dụng cho bệnh nhân hiện nay thường gồm các loại như từ máu, mô mỡ tự thân, nhập từ nước ngoài... Trong đó, tế bào gốc tự thân được nuôi cấy, tách chiết từ chính tế bào của người bệnh, thường có độ an toàn, tương thích cao. Tế bào gốc khi vào cơ thể sẽ biệt hóa thành nhiều tế bào khác để thay thế các tế bào bị mất đi do lão hóa hoặc tổn thương.

An Quý