TS.BS. Nguyễn Đức Lộc: Hạnh phúc vì được làm bác sĩ chuyên ngành thận

Y học - Ngày đăng : 12:09, 13/01/2023

Tranh thủ giữa giờ nghỉ trưa cuối năm, TS.BS. Nguyễn Đức Lộc - Trưởng Trung tâm Lọc máu, Bệnh viện An Sinh (TP.HCM), mới có được buổi trò chuyện, để chia sẻ chuyện nghề, chuyện đời. “Bận quá nhà báo ơi, bệnh nhân nhiều nên phải tranh thủ từng chút một”, người bác sĩ đam mê ngành thận bắt đầu nhập đề…

Từ một bác sĩ đa khoa nhiều trăn trở…

Với mỗi người, nghề nghiệp là cơ duyên. Với TS.BS. Nguyễn Đức Lộc, chọn trường Y và trở thành chuyên gia về ngành Thận là duyên nợ, bởi trong anh luôn có những sự trăn trở của riêng mình.

Anh kể, hồi còn học lớp 8, bà nội anh bị bệnh, xuất huyết ở hậu môn hoài mà đi chữa không khỏi. Bác sĩ xác định bà bị trĩ và điều trị theo chẩn đoán này. Đến khi phát hiện người bà bị ung thư thì đã quá muộn và không qua khỏi. Cậu bé Lộc khi ấy cứ tức tưởi, nếu như được chữa trị đúng bệnh ngay từ đầu, bà đã không đi xa nhanh như vậy. Rồi từ đó, nung nấu trong anh một quyết tâm phải trở thành bác sĩ, vừa để cứu chữa cho người thân, vừa giúp đời.

TS.BS. Nguyễn Đức Lộc, Trưởng Trung tâm Lọc máu Bệnh viện An Sinh.

Thi đậu vào Trường Đại học Y Dược TP.HCM, dù giành được học bổng toàn phần của trường, người học trò đất Quảng Ngãi vẫn phải ngày đi học, tối đi làm thêm kiếm tiền trang trải việc học và sinh hoạt. Sau 6 năm “dùi mài kinh sử”, tốt nghiệp ngành bác sĩ đa khoa, anh Lộc về công tác tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Tại nơi đầu sóng tiếp nhận những ca bệnh nặng cấp cứu của Thành phố, sau những ca trực không kể ngày đêm, người bác sĩ trẻ Đức Lộc đã có những định hướng rõ ràng hơn.

“Trong một lần chứng kiến bệnh nhân vừa suy thận, vừa suy tim nhưng lại không được chẩn đoán chính xác để phát hiện đúng bệnh sớm - bởi khi đã mắc bệnh thận, thông thường sẽ phối hợp nhiều bệnh khác kèm theo, tôi quyết định lựa chọn chuyên ngành Thận để theo đuổi”, BS Lộc nhớ lại.

Anh phân tích thêm, khi chọn học về thận, bắt buộc mình phải trang bị rất nhiều kiến thức chuyên sâu về tim mạch, nội tiết, tiêu hóa... Đó là những “ngọn núi” không dễ dàng vượt qua. Tuy nhiên, điều này vừa kích thích niềm đam mê học hỏi trong anh, vì anh hiểu rõ, phía trước là bao nhiêu bệnh nhân đang chờ mình.

Tất cả những nỗ lực cho khoa học vì bệnh nhân của anh đã sớm đơm hoa, đó là khi chưa tròn 30 tuổi, BS Lộc đã được đề bạt và nhận nhiệm vụ tại vị trí Trưởng khoa Lọc thận Bệnh viện An Sinh.

… Đến người tiên phong xây dựng mô hình xã hội hóa thận nhân tạo

Năm 2006, việc BS Lộc về công tác tại Bệnh viện An Sinh (khi ấy mới thành lập) là một quyết định khiến nhiều đồng nghiệp không khỏi bất ngờ. Bởi vì đang làm tại một bệnh viện quốc tế, lương lại cao gấp 8 lần Bệnh viện An Sinh. Anh lý giải: “Lúc ấy, ý tưởng về mô hình xã hội hóa thận nhân tạo gần như chiếm trọn tâm trí tôi. Về đơn vị mới, tôi có nhiều cơ hội học lên cao hơn và quan trọng nhất đây là cơ hội tốt để “tung hoành” ý tưởng đã ấp ủ…”.

TS.BS. Nguyễn Đức Lộc thăm khám cho bệnh nhân.

Mô hình xã hội hóa thận nhân tạo của anh xuất phát từ hằng ngày nhận thấy thấy những bệnh nhân chạy thận vừa đi lại xa, vừa bắt buộc phải có người nhà chăm kèm, cùng với đó là việc sinh hoạt vô cùng bất tiện và tốn kém. Vì thế, trong thời gian vừa đặt nền móng và xây dựng khoa Lọc thận của Bệnh viện An Sinh, TS.BS. Nguyễn Đức Lộc vừa đứng ra kêu gọi các bác sĩ cùng chuyên môn từ nhiều bệnh viện lớn ở TP.HCM thành lập mô hình xã hội hóa thận nhân tạo.

Sau nhiều tháng ngày bôn ba, ngược xuôi với các thủ tục hành chính, vận động xin ý kiến, chủ trương của các cấp lãnh đạo, Sở Y tế TP.HCM, cuối cùng, Khoa Chạy thận tại Bệnh viện Quận 6 chính thức thành lập. Đây cũng chính là mô hình xã hội hóa thận nhân tạo đầu tiên ở TP.HCM lúc bấy giờ. Các bệnh nhân ở các vùng lân cận như tỉnh Long An, Quận 6, Quận 8, huyện Bình Chánh... không phải di chuyển xa, đỡ rất nhiều về mặt sức khỏe và tiết kiệm chi phí.

Sau thành công, mô hình được nhân rộng ra các quận/ huyện trên địa bàn TP.HCM. Với BS. Lộc, những tâm huyết, trăn trở, suy tư cùng tấm lòng của anh dành cho bệnh nhân suy thận mạn, đã phần nào thành hiện thực, chứ không phải là mơ (!).

TS.BS Nguyễn Đức Lộc (bìa phải) tặng quà cho bệnh nhân chạy thận có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm Lọc máu Bệnh viện An Sinh (Ảnh: BV An Sinh).

BS. Lộc cho biết, hiện tại, Trung tâm Lọc máu Bệnh viện An Sinh với qui mô 35 máy lọc máu (trong đó có 4 máy HDF online) và đội ngũ y bác sĩ chuyên môn sâu được đào tạo trong và ngoài nước, mỗi năm phục vụ hơn gần 40.000 lượt lọc thận nhân tạo. Hiện Trung tâm đang lọc máu định kỳ cho hơn 300 bệnh nhân. Lọc máu cấp cứu cho bệnh nhân suy thận cấp, ngộ độc… từ các bệnh viện ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Lọc máu cho bệnh nhân ngoại kiều, Việt kiều đến Việt Nam sinh sống, làm việc và du lịch.

Cân bằng giữa gia đình và công việc

Dành cả thanh xuân cho công việc, tôi thắc mắc anh cân bằng giữa công việc và gia đình như thế nào. Trong một thoáng xúc động, anh rưng rưng: “Có lần bà xã đưa cho xem tờ giấy con gái viết lên ước mơ của mình, bé bảo chỉ có mỗi một khát khao là ba ở nhà nhiều hơn, dành thời gian cho con nhiều hơn. Tôi bật khóc. Bà xã tôi đã phải làm công tác tư tưởng cho cả cha và con”.

Thân làm bác sĩ, một ngày anh chỉ dành được cho con tầm 60 phút, trừ khoảng thời gian đưa con đến trường, rồi đón từ trường về nhà. Đó là chưa kể thời điểm anh học nghiên cứu sinh, có khi phải đi về trong ngày, tranh thủ bay ra Hà Nội chuyến 5h30 sáng, tối nếu bị hoãn chuyến thì tới 2-3h sáng hôm sau mới về đến nhà. Vậy là không được gặp con.

“Vì thương bệnh nhân, mình mới chọn nghề này. Thế nhưng cũng ray rứt với con lắm. May mà vợ tôi cùng nghề, nên đã hiểu và cảm thông, chia sẻ rất nhiều. Vợ đã thay tôi chu toàn nhà cửa, chăm sóc và làm bạn cùng con. Vậy nên, riêng ngày chủ nhật, tôi dành trọn cho gia đình...”, anh Lộc chia sẻ. Chủ nhật, sáng anh chơi cờ tướng, cờ vua cùng con, hoặc sẽ chở con đi đá banh với bạn. Buổi chiều sẽ chở con đi bơi, đi học tiếng Anh. Tối, cả nhà sẽ cùng đi ăn ở ngoài, để bà xã anh đỡ cực khâu nấu nướng. Hôm nào có phim hay, mọi người sẽ đi xem cùng nhau.

Gia đình TS.BS. Nguyễn Đức Lộc trong một chuyến du lịch.

Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên anh và gia đình nhỏ ít về thăm quê. Anh cho biết Tết này cả nhà sẽ về quê ở Quảng Ngãi. Nhắc về Covid, tôi lại nài nỉ anh thêm vài phút để kể cho nghe về không khí bệnh viện trong những ngày “lịch sử” ấy. Anh nhớ như in, thời gian đầu dịch, một bệnh nhân người nước ngoài được đưa vào chạy thận cấp cứu, test nhanh cho kết quả âm tính. Đang chạy thận, bệnh nhân bỗng suy hô hấp, tụt huyết áp, ngưng tim, ngưng thở. Sau khi hồi sức tích cực, bệnh nhân tỉnh lại, có mạch, huyết áp ổn định, tiếp tục chạy thận. Đến khi có kết quả PCR dương tính của bệnh nhân này, không chỉ anh mà cả khoa rơi vào hoang mang tột độ. Bởi, nếu cách ly cả ekip, sẽ thiếu người phục vụ bệnh nhân. Mà bệnh nhân một khi đã chạy thận, nếu ngưng sẽ lên cơn phù phổi, dẫn đến tử vong ngay.

Vậy là, phải “ôm” bệnh viện 24/24, phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang cả ngày, đến khát nước còn không dám uống vì ngại cởi bỏ những thứ phụ tùng trên người; phải xa gia đình, người thân; phải chiến đấu để giành giựt sự sống từng phút từng giây với tử thần... Còn nhiều thứ phải như thế... đã khiến không ít người gặp vấn đề tâm lý sau khi đại dịch đi qua. Chiều cuối năm, mình gợi lại ít thôi những ngày “lịch sử” ấy.

TS.BS. Nguyễn Đức Lộc:

- Tổng Thư ký Hội lọc máu TP.HCM (nhiệm kỳ 2018-2022, 2022-2026).

- Ủy viên Ban Thường vụ Hội lọc máu Việt Nam (nhiệm kỳ 2022-2027).

- Trưởng Trung tâm Lọc máu Bệnh viện An Sinh (từ 2006 đến nay).

*Đề tài nghiên cứu khoa học cấp đa trung tâm, đa quốc gia:

+ Nghiên cứu OLYMPUS và nghiên cứu ROCKIES: Hai nghiên cứu này đánh giá tính an toàn và hiệu quả của thuốc tạo máu dạng uống Roxadustat trên bệnh nhân suy thận mạn chưa chạy thận và bệnh nhân đang chạy thận định kỳ.

+ Nghiên cứu DIALIZE: Nghiên cứu trên nhóm bệnh nhân suy thận mạn lọc máu chu kỳ nhằm đánh giá hiệu quả của Sodium Zirconium Cyclosilicate trên các biến cố tim mạch liên quan đến loạn nhịp ở bệnh nhân suy thận lọc máu có tăng Kali máu tái phát.

+ Nghiên cứu STABILIZE: Tương tự như Dialize nhưng nghiên cứu trên nhóm bệnh nhân suy thận mạn chưa lọc máu.

+ Nhiều nghiên cứu được thực hiên tại Khoa Lọc máu Bệnh viện An Sinh được báo cáo trong các hội nghị về thận trên toàn quốc.

PV