Gỡ điểm nghẽn để tự chủ đại học phát triển

Giáo dục - Ngày đăng : 03:32, 02/05/2023

Nhiều ý kiến cho rằng có những nhầm lẫn đáng tiếc về tự chủ đại học theo nghĩa là “tự do” và “tự lo”, dẫn tới nhiều bất cập trong thực hiện. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng cần thay đổi quan điểm, tư tưởng về tự chủ đại học.

Hội thảo "Tự chủ đại học trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học: kết quả, bài học kinh nghiệm và những yêu cầu trong giai đoạn mới" do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Đại học Quốc gia TPHCM vừa tổ chức.

Đây không phải là hội thảo đầu tiên đánh giá tổng kết về thực hiện tự chủ đại học nhưng theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, hội thảo có rất nhiều điểm mới được nếu ra sau 10 năm thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện.

Tự chủ đại học không phải là “tự do” và “tự lo”

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, mặc dù việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đã giúp cải thiện, đổi mới hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) và đạt được một số kết quả tích cực nhưng quan niệm và nội hàm, cách hiểu về tự chủ đại học ở Việt Nam vẫn còn có những nhầm lẫn đáng tiếc theo nghĩa tự chủ là “tự do” và “tự lo”, dẫn tới cách hiểu, cách tiếp cận và vận dụng vào thực tiễn không thống nhất.

Thực tế, tự chủ đại học có nơi, có lúc được hiểu và đánh đồng với với việc tự chủ về tài chính. Các trường đại học muốn thực hiện tự chủ toàn diện sẽ phải cân nhắc, đánh đổi giữa tự chủ với việc ngừng cấp ngân sách nhà nước cho nhà trường cả về chi thường xuyên lẫn chi đầu tư. Đồng thời, cũng có quan điểm cho rằng, thực hiện tự chủ nghĩa là cơ sở GDĐH được hoàn toàn “tự do” quyết định mọi việc, và theo đó, phủ nhận vai trò của Nhà nước trong kiểm soát chất lượng, định hướng hoạt động của các trường.

TS. Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại hội thảo

“Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, tự chủ đại học dù ở mức độ nào vẫn luôn tồn tại vai trò của Nhà nước và luôn tồn tại mối quan hệ giữa kiểm soát chất lượng và tự chủ”, TS. Hoa nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với TS. Mai Hoa, PGS.TS. Phan Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng thẳng thắn cho rằng nhận thức về tự chủ đại học đang có vấn đề khi hiện nay có rất nhiều cách nhận thức tự chủ GDĐH rất khác nhau giữa các bộ ngành, đơn vị, cơ quan quản lý... nên không thể có những quy định luật, văn bản, nghị định hướng dẫn thống nhất để triển khai có hiệu quả tự chủ GDĐH.

Cần điều chỉnh thêm nhiều bộ luật

Nhiều đại biểu cho rằng có nhiều vấn đề bất cập cần sửa đổi để thực hiện tự chủ GDĐH toàn diện. Theo TS. Nguyễn Thị Mai Hoa, hệ thống pháp luật (Luật có lúc được hiểu và đánh đóng quản lý, sử dụng tài sản công; Luật đất đai, Luật sở hữu trí tuệ, Luật khoa học và công nghệ, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu)còn nhiều chồng chéo, cản trở việc đa dạng hóa nguồn thu, khai thác kết quả nghiên cứu khoa học; mua sắm thiết bị, đầu tư công, xây dựng cơ bản... của các trường, trái với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) đề cao tính tự chủ của các trường đại học về tự chủ tài chính.
Từ đó, TS Hoa kiến nghị cần nghiên cứu xác định mô hình tự chủ đại học phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, đồng bộ và minh bạch hóa hệ thống quy phạm pháp luật về tự chủ đại học, đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho GDĐH; xây dựng chính sách cải cách tiền lương và đẩy mạnh quá trình tự chủ trong các trường đại học để tạo quyền chủ động cho các cơ sở GDĐH... “Nhân tố cốt lõi để đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học là xây dựng khung pháp lý đầy đủ, thống nhất và đồng bộ để tạo thuận lợi cho triển khai thực hiện tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình” bà Hoa nhấn mạnh.

Các nhà quản lý, nhà khoa học trao đổi tại hội thảo.

Từ thực trạng ĐHQG-HCM, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, mặc dù đạt nhiều kết quả khi thực hiện tự chủ đại học nhưng thực tiễn triển khai, ĐHQG-HCM cũng gặp một số khó khăn, nổi bật là Luật số 34. Nguyên nhân chính là do vẫn còn một số nội hàm, vướng mắc vì thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành Luật số 34, cụ thể là Nghị định về ĐHQG- HCM và Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐHQG và các cơ sở GDĐH thành viên. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện tự chủ đại học tại ĐHQG-HCM.

PGS.TS Nguyễn Anh Dũng cũng cho rằng các quy định pháp lý, các chính sách quan trọng liên quan đến tự chủ cho cơ sở GDĐH cần được ban hành đầy đủ, đồng bộ và cần sớm sửa đổi những vấn để còn bất cập.

“Luật GDĐH đã quy định rất rõ quyền lực của hội đồng trường nhưng trong thực tế, quyền lực của Hội đồng trường còn rất nhiều hạn chế. Cơ quan chủ quản can thiệp vào các vấn đề tự chủ, đặc biệt là bộ máy quản lý, nhân sự và đầu tư của các cơ sở GDĐH. Bên cạnh đó, tài chính của cơ sở GDĐH còn phụ thuộc vào ngân sách được giao, các cơ sở GDĐH không có nguồn tài chính ổn định trong dài hạn”, GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ.

Phát biểu tổng kết tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng bản chất của tự chủ là phân quyền, phân quyền theo các cấp sao cho phát huy được tối đa nguồn lực, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống. Vì vậy, các chính sách xây dựng cũng phải được thực hiện theo nội dung này. “Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất chính là chúng ta chưa thể thay đổi được quan điểm tư tưởng khiến việc chỉnh sửa và triển khai các văn bản chưa đồng bộ. Năng lực không phải là vấn đề đáng quan ngại vì nó hình thành trong quá trình thực hiện, cái đáng quan tâm và cùng nhau tháo gỡ chính là cần thay đổi về quan điểm tư tưởng về tự chủ đại học”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ và đề nghị các cơ sở GDĐH cần đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 29.

HOÀNG NGUYỄN