Chủ tịch Hội Y học TP.HCM: ‘Bác sĩ phải thực sự yêu nghề’
Dòng chảy - Ngày đăng : 07:31, 27/02/2023
Đứng ở góc độ người cán bộ y tế có thể xem là “cây đa, cây đề” trong ngành Y tế TP.HCM, đã có nhiều năm giữ qua những chức vụ điều trị, giảng dạy và quản lý trong ngành Y tế và đã tham gia hoạt động Hội từ vài chục năm hai bác sĩ cho biết suy nghĩ của mình về nghề...
Tại sao người thầy thuốc phải đặt y đức lên hàng đầu?
Nghề y là một nghề rất đặc biệt bởi được đặt trên nền tảng niềm tin của người bệnh. Không có niềm tin đó thì không dám cược sức khỏe và có khi cả tính mạng của mình khi đến với người thầy thuốc. Niềm tin này không phải tự nhiên có được, mà đã phải được xây dựng dần dần từ rất lâu, ngay lúc mới bắt đầu có ngành Y, sau đó giới y tế đã phải có rất nhiều cố gắng để duy trì, củng cố nó bằng lời thề Hippocrates, nhất là bằng những biểu hiện về thái độ vị tha, không vụ lợi của những người hành nghề y. Nói chung người bệnh đến với ngành y vì tin người thầy thuốc sẽ hành sự theo y đức, không vì lợi ích cá nhân rồi làm hại mình. Tuy nhiên có thể thấy, ngày nay trong thời buổi kinh tế thị trường, tình trạng xã hội hóa chăm sóc y tế, kinh doanh y tế... đang là những mối nguy cơ có thể làm cho người dân đánh mất niềm tin ở ngành y.
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TP.HCM
Đầu tiên để có y đức hay đạo đức trong hành nghề y thì phải có đạo đức chung của một con người.
Có thể hiểu một cách đơn giản y đức là đạo đức của người thầy thuốc trong hành nghề y. Như vậy, đạo đức của một người có thể là một yếu tố rất quan trọng quyết định y đức. Điều này phải được thông qua giáo dục gia đình, giáo dục tại nhà trường trong xã hội. Chắc chắn một người được lớn lên trong một môi trường giáo dục đạo đức tốt thì sẽ dễ thể hiện đạo đức đó trong hành nghề y. Những đức tính tốt như không tham của người, không thấy lợi ích trước mắt mà quên lợi ích lâu dài, tôn trọng người khác... khi trở thành bản chất của một người sẽ là nền tảng tốt để xây dựng y đức ở người thầy thuốc. Nhưng ngoài nền tảng đạo đức chung, để phù hợp với tính chất của nghiệp y thì còn phải có tính vị tha, có thể vì người khác mà chịu thương chịu khó. Điều thường thấy ở một số bạn trẻ hiện nay khi chọn làm bác sĩ vì làm theo ý của cha mẹ chứ bản thân thấy mình không hợp với nghề này. Trí tuệ và sự thông minh có thể giúp các bạn này học tập, tốt nghiệp trường Y nhưng khi hành nghề thì các bạn sẽ thiếu động lực khi cần phải chịu cực và điều quan trọng nữa, bạn sẽ không tìm được niềm vui trong công việc. Một bác sĩ yêu và đam mê nghề nghiệp thì dù vất vả đến mấy nhưng nhìn thấy người bệnh được chữa lành, người bệnh khỏe mạnh, hài lòng thì bản thân mình cảm thấy rất hạnh phúc. Và cuối cùng, một nền tảng bài bản hơn để hình thành y đức ở người thầy thuốc chính là chương trình giáo dục y đức, mà nay là chương trình chính khóa tại tất cả các cơ sở đào tạo ngành Y.
Từ đâu có những biểu hiện thiếu y đức như chúng ta thấy hiện nay?
Trong những sai phạm hành nghề y hiện nay, nên phân biệt những sai phạm thuộc về quản lý và sai phạm đạo đức cá nhân. Sai phạm về quản lý nằm trong bối cảnh xã hội chung nhưng xảy ra trong môi trường làm việc thuộc ngành Y, còn sai phạm của cá nhân người thầy thuốc trong hành nghề mới thuộc vấn đề y đức. Các sai phạm trong hành nghề có thể do lỗi của một hệ thống và cũng có thể là do lỗi cá nhân. Lỗi hệ thống thường xảy ra tại nơi làm việc như khi có các quy định không phù hợp, hoặc thiếu chặt chẽ, hoặc ngược lại quá ép buộc phải làm theo quy trình hướng đến lợi ích của cơ sở điều trị... Lỗi cá nhân thuộc về hành vi của mỗi người, ví dụ như kê toa quá mức, kê những xét nghiệm không đáng kê, ứng xử không đúng mực, cẩu thả thiếu trách nhiệm... Cách tổ chức của hệ thống làm việc có thể tạo điều kiện cho cá nhân dễ có hành vi thiếu đạo đức hoặc ngược lại cũng có thể tạo ra môi trường giúp cho cá nhân tránh sai phạm về y đức.
Khi nói đến vi phạm không cố ý, thì đó thường là những thiếu sót do trình độ và kiến thức của bác sĩ, chính vì thế hành nghề y đòi hỏi phải học hoài học mãi. Tại đây cũng phải nói đến vai trò quan trọng của của Hội y học là giúp các đồng nghiệp nâng cao trình độ nghề nghiệp qua việc tổ chức các hội nghị hội thảo đào tạo liên tục. Hầu hết những hội nghị, hội thảo này đều nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và đi sâu, chi tiết vào việc xử lý các tình huống thường gặp trong hành nghề.
BS.CK2 Huỳnh Anh Lan - Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Y học TP.HCM
Có cách nào có thể giúp người thầy thuốc giữ gìn y đức trong hành nghề y?
Trong ngành y cũng như những ngành khác có nhiều cám dỗ mà người hành nghề phải vượt qua để không vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Do đó cần nghĩ cách ngăn chặn hay hạn chế những cám dỗ hay “yếu tố nguy cơ” dễ dẫn đến tha hóa. Thật ra việc ngăn chặn không khó nhưng phải nhìn thấy và phát hiện ngay từ đầu.Có thể nêu vài ví dụ mà ban lãnh đạo cơ sở khám chữa bệnh có thể đề ra như: quy định liên quan toa thuốc để hạn chế việc nhận hoa hồng; quy định liên quan sự chuyên cần, tinh thần trách nhiệm trong công việc được đưa vào tiêu chuẩn xét thi đua khen thưởng đánh giá xếp loại, hoặc cảnh cáo trước tập thể. “Biết sợ bị kỷ luật” chắc chắn là điều làm cho mọi người phải thận trọng hơn. Như vậy, vấn đề ở đây là đừng để vụ việc diễn ra quá lớn rồi mới xử lý mà phải có những biện pháp từ đầu.
Bên cạnh những biện pháp quản lý, tuân thủ Y đức có thể hiểu là người hành nghề không làm những điều tự mình thấy mình không được phép làm, vì nếu làm thì thiếu trách nhiệm với người bệnh, thiếu trách nhiệm với đồng nghiệp, với xã hội. Luôn coi trọng đánh giá của những người xung quanh, không bao giờ muốn mình bị các đồng nghiệp coi thường, bị mất uy tín với người bệnh, bị xã hội lên án, là những rào cản vô hình giúp một thầy thuốc giữ vững y đức, tránh sai phạm, bên cạnh những rào cản hữu hình do hệ thống quản lý. Đúng như theo phương châm của ngành Y: Phòng bệnh hơn chữa bệnh, đừng để có việc lớn mới phát hiện thì việc đã rồi.
Có phải khái niệm ‘tính chuyên nghiệp’ trong đào tạo và thực hành đang thay dần khái niệm về y đức?
Có thể thấy y đức là một khái niệm hơi trừu tượng, “giao phó” nhiều cho người hành nghề. Tuy có nêu nhiều nguyên tắc trong những mối quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh, thầy thuốc với nhau và với xã hội nhưng lại thiếu quy định cụ thể đối với từng hoat động nghề nghiệp. Trong thời gian gần đây tất cả những quy định đó đã được thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể qua “tính chuyên nghiệp” trong hành nghề Y, bao gồm: trình độ chuyên môn, thái độ giao tiếp và thực hành. Một thí dụ dễ hiểu là một người có bản tính tốt bụng vui tính có thể tỏ ra rất niềm nở với người bệnh, ngược lại một người có bản tính lạnh lùng sẽ ít niềm nở hơn. Song một khi đã có những bộ khung quy định về tính chuyên nghiệp thì cả hai loại người này đều phải thực hiện đúng theo các quy trình giao tiếp với người bệnh bằng thái độ thân thiện, ân cần và chu đáo. Tính chuyên nghiệp hiện nay đã có giáo trình đào tạo chính thức ở các trường, sau đó được tiếp tục rèn luyện tại nơi các bác sĩ làm việc và thông qua các hội nghề nghiệp như Hội Y học.