Ngành nuôi trồng thủy sản Thành phố Hồ Chí Minh đột phá từ Quyết định 655
Sống xanh - Ngày đăng : 13:48, 26/11/2021
Vốn là 1 trong 3 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM, thủy sản được Thành phố chú trọng đầu tư phát triển. Tại TP.HCM, việc nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu ở huyện Cần Giờ và một số huyện khác nhưng có diện tích nhỏ hơn, như Nhà Bè, Củ Chi và Bình Chánh.
Trong thời gian qua, các cá nhân, doanh nghiệp, HTX nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP.HCM đã nhận được nhiều hỗ trợ từ chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị để thúc đẩy phát triển những tiềm năng sẵn có của ngành thùy sản. Nhờ vậy, người nuôi trồng thủy sản tại TP.HCM được hưởng hàng loạt ưu đãi về vốn vay, đầu tư khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất và kỹ thuật nuôi trồng thủy sản.
Các cơ sở nuôi trồng thủy sản nằm trong gói hỗ trợ gồm mô hình nuôi tôm, nghêu, cá... Diện tích nuôi tôm lớn tập trung nhiều nhất ở huyện Cần Giờ (khoảng hơn 2.200 ha, chủ yếu ở các xã Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp). Theo định hướng phát triển của TP.HCM đến năm 2025, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại Cần Giờ sẽ là 2.400 ha, Nhà Bè là 120 ha.
Theo thống kê của Chi cục phát triển nông thôn TP.HCM, nhiều hộ nuôi tôm đã sử dụng hệ thống ao nuôi lót bạt đáy, mái che trên mặt ao để hạn chế tối đa tác động của thời tiết đến ao nuôi, và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Song song với đó là sử dụng các trang thiết bị hiện đại vào mô hình nuôi tôm, như máy bơm tự động, hệ thống xử lý oxy tự động, hệ thống làm sạch ao… để làm giảm các khả năng gây dịch bệnh.
Nhiều HTX nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP.HCM đã tận dụng tốt ưu đãi từ chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị để phát triển sản xuất. HTX Thuận Yến (huyện Cần Giờ) ứng dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, và còn là đầu mối kết nối để hỗ trợ, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên HTX như yến sào, cá dứa, tôm. Hơn nữa, HTX này còn giúp vay vốn tín dụng cho thành viên và các hộ thành viên từ nguồn vốn ưu đãi với vai trò là đại diện vay vốn, rồi phân phối lại cho các thành viên theo nhu cầu, điều kiện cho phép.
Cũng nhờ có nhiều hỗ trợ từ chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, HTX Hiệp Thành (huyện Nhà Bè) đã thực hiện các khâu sơ chế biến, đóng gói các sản phẩm một cách hiệu quả hơn so với trước đó.
Như vậy, với sự trợ lực từ Quyết định 655, nhiều cá nhân, HTX hoạt động trong lĩnh vực thủy sản tại TP.HCM đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, góp phần gia tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho thành viên HTX và tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.