Cần Giờ đẩy mạnh du lịch để phát triển nghề làm muối

Sống xanh - Ngày đăng : 13:48, 01/12/2021

KHPTO - Cần Giờ là huyện duy nhất của TP.HCM tiếp giáp với biển, đem lại lợi thế phát triển ngành nghề sản xuất muối, gắn với các dịch vụ du lịch sinh thái sông, biển và nghỉ dưỡng. Huyện Cần Giờ đang đẩy mạnh du lịch cùng với phát triển nghề làm muối, vừa tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, vừa giúp diêm dân nâng cao thu nhập.

Tại ấp Thiềng Liềng, nơi người dân chủ yếu sống với nghề làm muối và các sản phẩm từ muối (muối ớt, muối tôm, muối thảo dược), UBND xã Thạnh An đã thành lập tổ hợp tác du lịch cộng đồng ấp Thiềng Liềng gồm 10 thành viên, thực hiện việc cung cấp các dịch vụ ăn uống, lưu trú, tham quan, trải nghiệm, phục vụ đờn ca tài tử cho khách tham gia tour. Đến nay đã thu hút hơn 1.000 lượt khách tham gia trải nghiệm.

Hiện nay, UBND huyện này đang thực hiện công tác kết nối lữ hành để đưa mô hình du lịch sinh thái nhà vườn nói chung và khu làm muối nói riêng vào khai thác, đồng thời dự kiến nhân rộng mô hình tổ hợp tác nói trên cho các xã còn lại để đa dạng hóa sản phẩm du lịch địa phương dựa trên tiềm năng và lợi thế của từng xã, thị trấn. Nhằm quảng bá, giới thiệu góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, UBND huyện cũng đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận các sản phẩm đặc trưng của huyện.

Tính chung, trong năm 2020, do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Cần Giờ đạt 1,6 triệu lượt, giảm 37,7% so với năm 2019, doanh thu năm 2020 đạt 960 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, du lịch Cần Giờ đón 10.334.800 lượt khách, tăng bình quân 31,4%/năm, doanh thu ngành du lịch đóng góp cho kinh tế huyện đạt 5.200 tỷ đồng, tăng bình quân 46,3%.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch tại các cánh đồng muối của diêm dân đã gặp nhiều khó khăn, hạn chế, như hoạt động tại các điểm tham quan còn đơn điệu, việc phục vụ khách tham quan chưa được thường xuyên, liên tục; sự kết hợp giữa các đơn vị kinh doanh du lịch chưa được phát huy để tạo sự liên kết; sản phẩm du lịch tuy ngày càng đa dạng, phong phú nhưng chất lượng chưa cao. Trong quá trình phát triển du lịch, sự tham gia của người dân vào hoạt động du lịch còn mang tính tự phát, chưa đạt hiệu quả cao, sự tiếp cận những thông tin về khuyến khích hỗ trợ người dân làm du lịch chưa thuận lợi và chính thống; công tác vận động đầu tư cải tạo cơ sở vật chất phục vụ du lịch (chòi mát, nhà vệ sinh, cảnh quan…) tại điểm đến còn gặp nhiều khó khăn do vướng cơ chế xây dựng trên đất nông nghiệp, từ đó làm ảnh hưởng đến công tác đầu tư hạ tầng phát triển du lịch nhà vườn, du lịch sinh thái nông nghiệp.

Vì vậy, để phát triển du lịch cùng với sự phát triển của nghề trồng muối tại Cần Giờ, cần rà soát, vận dụng các chính sách đặc thù thúc đẩy, hỗ trợ phát triển du lịch như chính sách tín dụng, hỗ trợ vốn... để phổ biến rộng rãi cho các hộ dân có mô hình du lịch tiềm năng có điều kiện đầu tư, cải tạo cảnh quan phục vụ du lịch; tiếp tục hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi theo Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12/2/2018 của UBND TP.HCM.

Bên cạnh đó cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ tại điểm đến, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, cụ thể như kỹ năng làm du lịch: Giao tiếp, bán hàng, chăm sóc khách hàng, xử lý tình huống, quản lý và điều hành kinh doanh du lịch… Thực hiện kết nối đến các điểm đến, tạo thành tour du lịch hoàn chỉnh mang tính chất đặc trưng Cần Giờ, đồng thời thực hiện quảng bá và giới thiệu sản phẩm du lịch của người dân cho các đơn vị lữ hành và quảng bá tại các sự kiện, lễ hội du lịch do TP.HCM tổ chức.

ANH THƯ