Hóc Môn: Thu bạc tỷ nhờ trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao

Sống xanh - Ngày đăng : 10:25, 07/12/2021

KHPTO - Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao là một trong những mô hình nông nghiệp đô thị được khuyến khích đầu tư, phát triển tại TP.HCM. Điển hình là mô hình trồng dưa lưới Nhật Bản của anh Trang Quốc Dũng (Ấp 7, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM). Anh đã mạnh dạn đầu tư trồng dưa lưới theo quy trình VietGAP ứng dụng công nghệ cao, cung cấp sản phẩm chất lượng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sau một thời gian dài tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao từ nhiều quốc gia như Israel, Nhật Bản, Tây Ban Nha,… anh Dũng đã quyết tâm đưa công nghệ cao về ứng dụng vào mô hình nông nghiệp tại Việt Nam.

Theo anh chia sẻ, mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của anh được đầu tư từ năm 2015, sản xuất theo quy trình VietGAP. Trong đó, công nghệ cao được ứng dụng ở nhiều khâu, từ lựa chọn hạt giống, phương pháp gieo trồng tiên tiến - giá thể, bán thủy canh, kiểm soát dinh dưỡng, phòng ngừa cách ly mầm bệnh… Tất cả các thông số về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, ánh sáng… đều được theo dõi trên phần mềm điều khiển thông minh thông bằng smartphone và dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Anh cũng cho biết, chi phí đầu tư ban đầu cho 1.000 m2 trồng dưa lưới khoảng 530 triệu đồng, bao gồm: nhà màng, thiết bị, giá thể, nhân công… Chi phí đầu tư 1.000 m2 cho một vụ khoảng 75,1 triệu đồng, sản lượng một vụ (2,5 tháng) đạt khoảng 3,7 tấn dưa lưới. Như vậy, tính trung bình cứ 1 ha trồng dưa lưới, một năm thu hoạch 3 vụ, sản lượng khoảng 110 tấn, doanh thu có thể đạt tới 3,3 tỷ đồng/ha/năm và lợi nhuận trên 800 triệu đồng/ha/năm.

Có thể khẳng định đây là mô hình nông nghiệp đô thị mang lại hiệu quả kinh tế cao và có nhiều triển vọng. Mô hình này đã được phê duyệt theo chính sách hỗ trợ lãi vay, Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 quy định khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017 - 2020 của HĐND TP.HCM. Có vốn hỗ trợ là điều kiện thuận lợi để anh tiếp tục mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại và mở rộng diện tích trồng. Theo anh Dũng, TP.HCM luôn chú trọng và quan tâm tới ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đây là điều kiện thuận lợi cho cá nhân, công ty, doanh nghiệp nông nghiệp phát triển, đồng thời, cũng tạo môi trường cạnh tranh lớn về chất lượng, sản lượng giữa các đơn vị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Qua nhiều năm kinh nghiệm, anh Dũng cho rằng việc sử dụng kết cấu nhà màng chuẩn có vai trò đặc biệt quan trọng. Thiết kế nhà màng ngăn côn trùng xâm nhập và đặc biệt có chức năng điều chỉnh ánh sáng, mỗi loại cây sẽ hấp thụ những loại quang phổ khác nhau, riêng dưa lưới cần có độ tán xạ ánh sáng và xuyên sáng khác biệt. Đồng thời, anh còn kết hợp sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt bù áp cho dưa lưới, công nghệ này sẽ giúp nước và phân bón được chia đồng đều, tạo điều kiện tốt nhất cho trái và cây sinh trưởng, phát triển như nhau.

Hiện nay, nông trại trồng dưa lưới Nông Phát của anh Dũng có hơn 10 loại giống dưa lưới như ichiba xanh, ichiba cam, taki, taka, takeda, nagoya, reiwa. Theo đó, mỗi cây dưa lưới sẽ chỉ cho thu hoạch một trái để đảm bảo chất lượng mang đến người tiêu dùng. Tuỳ thuộc vào giống, thời gian thu hoạch sẽ mất khoảng 60 - 70 ngày. Mức giá dao động từ 38.000 - 60.000 đồng/kg. Các sản phẩm dưa lưới Nông Phát được cung cấp cho rất nhiều các siêu thị lớn nhỏ như Family mart, Lotte, Aeon, Saigon Coop,… một số nhà hàng, khách sạn tại TP.HCM và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Singapore, Dubai.

AN CHI