Hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực
Dòng chảy - Ngày đăng : 12:43, 27/11/2022
Hội nghị do Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM (IUH) phối hợp cùng Trường Đại học Quốc tế miền Đông tổ chức. Bên cạnh đó, sự kiện còn có đồng hành của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ). Hội nghị được tổ chức trong 2 ngày 25-26/11.
IUH xác định phát triển khoa học công nghệ là mục tiêu chiến lược
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Phan Hồng Hải - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM bày tỏ niềm hân hoan được tiếp đón các đại biểu về dự Hội nghị quốc tế về Công nghệ tiên tiến và Phát triển bền vững - Lần thứ 2 năm 2022 tại IUH.
TS. Phan Hồng Hải - Hiệu trưởng Trường ĐH nghiệp TP.HCM, phát biểu khai mạc Hội nghị.
Theo Hiệu trưởng IUH, khoa học công nghệ trong thời đại mới phát triển vô cùng mạnh mẽ, đòi hỏi giáo dục đại học phải có những thay đổi căn bản về tư duy đào tạo, cách thức trao đổi và phương thức truyền thụ kiến thức. Bên cạnh chức năng đào tạo để cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, trường đại học còn nghiên cứu, sáng tạo ra tri thức, sản phẩm mới để chuyển giao cho xã hội. Hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội ngày càng khắt khe.
“Trong bối cảnh đó, cần có sự hợp tác chặt sẽ, sâu rộng của các nhà khoa học, nhà quản lý và đội ngũ thầy cô giáo. Tại Hội nghị quốc tế về Công nghệ tiên tiến và Phát triển bền vững - lần thứ 2 năm 2022, chúng tôi mong muốn tạo ra một cơ hội, một diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý và các thầy cô giáo gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ các thành tựu mới về khoa học công nghệ ở rất nhiều các lĩnh vực từ kinh tế, quản trị, kỹ thuật công nghệ, đến xã hội nhân văn, đặc biệt là sau gần 3 năm chúng ta bị chia cắt vì ảnh hưởng của các vấn đề toàn cầu...” - TS. Phan Hồng Hải chia sẻ
TS. Phan Hồng Hải cũng khẳng định, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM luôn xác định phát triển khoa học công nghệ là mục tiêu chiến lược. Trong suốt những năm qua, nhà trường đã đặt quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Nhà trường may mắn có được sự hỗ trợ giúp đỡ, cộng tác này để từng bước phát triển đổi ngũ nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ của mình.
“Với hơn 700 nhà khoa học là tác giả hơn 300 bài báo khoa học gởi bài tham dự hội nghị; 500 nhà khoa học, trong đó có gần 100 nhà khoa học quốc tế đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham dự Hội nghị ngày hôm nay là những con số ấn tượng thể hiện sự quan tâm của cộng đồng khoa học đối với chúng tôi.
Những kết quả tốt đẹp, tích cực đạt được từ Hội nghị lần thứ 2 này sẽ là động lực để chúng tôi tiếp tục tổ chức những sự kiện khoa học lớn hơn trong tương lai, quy tụ nhiều hơn nữa cộng động khoa học từ khắp nơi trên thế giới...” - TS. Phan Hồng Hải thông tin thêm.
Công tác phát triển khoa học công nghệ của TP.HCM có những bước tiến rõ rệt
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, phát biểu tại phiên khai mạc, ông Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho rằng TP.HCM xác định mục tiêu phát triển khoa học công nghệ làm động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội, trở thành một Thành phố thông minh. Trong thời gian qua TP luôn định hướng đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, phát triển mạnh mẽ tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ông Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị.
Công tác phát triển khoa học công nghệ của TP.HCM trong những năm qua đã có những bước tiến rõ rệt, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học công nghệ có tính đột phá trên nhiều lĩnh vực như y tế, cơ khí chế tạo, năng lượng, quản lý đô thị, vi chip điện tử, công nghệ nano, nông nghiệp công nghệ cao... Thành phố luôn năng động, kịp thời trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ, kết nối hệ sinh thái, tăng cường hoạt động truyền thông, hoạt động đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn lực phục vụ phát triển Thành phố. Trong giai đoạn 2011 - 2021, năng suất lao động xã hội của Thành phố cao hơn 2,7 lần so với cả nước và bình quân đạt 235,5 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cao gấp 1,7 lần so với cả nước.
“Với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành về hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ rất hân hạnh được tham gia với vai trò là một đơn vị đồng hành của Hội nghị Quốc tế về Công nghệ tiên tiến và Phát triển bền vững năm 2022 - ICATSD2022. Đây không đơn thuần chỉ là một hội nghị khoa học, mà còn là một sân chơi để giao lưu, chia sẻ thông tin khoa học và công nghệ mới, cũng như thiết lập quan hệ rộng rãi giữa các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý cả trong và ngoài nước...” - Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Lê Thanh Minh chia sẻ.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Lê Thanh Minh, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, trong thời gian vừa qua đã có rất nhiều bước tiến trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, được thể hiện rõ nét qua những thành tích về công bố khoa học quốc tế, số lượng các đề tài, dự án trong và ngoài nước đã được triển khai. Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ cũng là mảng được lãnh đạo nhà trường quan tâm, tập trung thực hiện, nhằm từng bước khai thác thế mạnh về khoa học công nghệ và năng lực của đội ngũ thầy cô, các nhà khoa học.
“Thay mặt Sở KH&CN TP.HCM, xin được gởi lời chúc mừng đến Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và Trường ĐH Quốc tế Miền Đông đã nỗ lực để tổ chức Hội nghị. Thông tin, kết quả khoa học công nghệ được các chuyên gia, nhà khoa học trình bày tại Hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ của hai Trường nói riêng và của TP.HCM nói chung. Sở Khoa học và Công nghệ luôn mong muốn được đồng hành cùng với các trường, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế để tạo ra nhiều hơn nữa những cơ hội giao lưu, hợp tác nhằm phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân...” - Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Lê Thanh Minh phát biểu.
Hơn 800 nhà khoa học, chuyên gia và giảng viên tham gia
Theo ban tổ chức, Hội nghị dự kiến có sự tham gia của hơn 800 nhà khoa học, chuyên gia và giảng viên, trong đó có hơn 200 nhà khoa học đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Úc, Bangladesh, Bỉ, Canada, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Kazakhstan, Kenya, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hoa Kỳ, Singapore, Arab Saudi, Vương quốc Anh. Ngoài ra, tham dự hội nghị còn có đại diện các cơ quan quản lý về khoa học và công nghệ của các địa phương của Tỉnh Ninh Thuận, Tỉnh Đồng Nai và TP.HCM, cùng một số cơ quan về khoa học công nghệ thuộc lãnh sự quán các nước tại TP.HCM.
Giáo sư Marco Abbiati (Tham tán Khoa học, Đại sứ quán Italia tại Hà Nội, Việt Nam) trình bày tại Hội nghị.
Chủ đề chính của Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận và trình bày về các công nghệ tiên tiến, những thành tựu mới của khoa học và sự phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay. Sau phiên khai mạc toàn thể, có 85 bài báo cáo, tuyển chọn từ 201 công trình khoa học toàn văn gởi tham dự Hội nghị, được các nhà khoa học trình bày tại 05 phiên chuyên môn của Hội nghị, bao gồm: Đổi mới sáng tạo và ứng dụng trong tính toán thông minh; Gia công chính xác và công nghệ tiên tiến; Giải pháp Xanh; Phát triển bền vững trong các nền kinh tế chuyển đổi; và Đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Hội nghị quốc tế về công nghệ tiên tiến và phát triển bền vững – Lần thứ 2, năm 2022 được tổ chức là cơ hội rất quan trọng và đặc biệt để các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới tụ họp thảo luận và chia sẻ trực tiếp các thông tin và thành tựu về khoa học công nghệ cũng như những vấn đề về sự phát triển bền vững, sau thời gian dài bị giới hạn vì ảnh hưởng của các vấn đề toàn cầu. Hội nghị còn thúc đẩy sự gắn kết và góp phần xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các nhà khoa học, chuyên gia và giảng viên từ các trường đại học, viện nghiên cứu ở các quốc gia. Những kết quả thu được từ Hội nghị sẽ góp phần vào việc xây dựng định hướng khoa học công nghệ trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển bền vững dần trở thành một thánh thức với tất cả các quốc gia.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.
Diễn giả chính của Hội nghị lần này có Giáo sư Marco Abbiati (Tham tán Khoa học, Đại sứ quán Italia tại Hà Nội, Việt Nam); Giáo sư Tsan-Ming Choi (Jason) - Quản lý chuỗi cung ứng và vận hành tại Trường Quản lý Đại học Liverpool, Vương quốc Anh); Phó Giáo sư John Luke Gallup, Đại học Bang Portland, Portland...