Xây dựng nông thôn mới tại huyện Nhà Bè: 10 năm nhìn lại

Sống xanh - Ngày đăng : 20:25, 16/12/2021

KHPTO - Huyện Nhà Bè nằm về phía Đông Nam của Thành phố Hồ Chí Minh, là cửa ngõ Thành phố hướng ra biển Đông. Dân số toàn huyện là 205.529 người, số người trong độ tuổi lao động là 120.938 người, trong đó có 99,11% lao động trong lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ và các ngành nghề khác, 0,89% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trước khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), thu nhập bình quân đầu người tại các xã xây dựng NTM đạt trên 15 triệu đồng/người/năm, có xuất phát điểm thấp so với các địa phương khác (bình quân mỗi xã đạt từ 5 – 6 tiêu chí, trong đó thấp nhất là xã Phước Lộc chỉ đạt 3 tiêu chí và cao nhất là xã Phú Xuân đạt 7 tiêu chí).

Sau 5 năm thực hiện Chương trình, kết quả đến cuối năm 2015, 6/6 xã thuộc huyện Nhà Bè được UBND TP.HCM phê duyệt công nhận đạt 19/19 tiêu chí NTM theo Đề án. Tiếp tục thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020, huyện Nhà Bè chỉ đạo 6 xã lập Đề án NTM và Đề án NTM trong quá trình đô thị hóa của huyện giai đoạn 2017 – 2020. Đến nay, 6/6 xã đã đạt 18/19 tiêu chí chính, 47 tiêu chí thành phần và huyện đạt 7/9 tiêu chí chính.

Đạt được kết quả trên, ngoài sự chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM, UBND TP.HCM, sự giúp đỡ nhiệt tình từ các Sở - ban ngành của TP.HCM còn có sự quyết liệt chỉ đạo của Huyện ủy - UBND huyện, sự đoàn kết, thống nhất của Mặt trận Tổ quốc – các đoàn thể huyện, các phòng - ban đơn vị thuộc huyện và Đảng ủy – UBND 6 xã. Cụ thể:

1. Vận dụng, áp dụng tốt các chính sách của Trung ương và TP.HCM vào tình hình thực tế tại địa phương

Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc huyện đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, triển khai, cụ thể hóa các chính sách của thành phố như: cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý nguồn vốn đầu tư tại các xã thực hiện Chương trình xây dựng NTM; trợ cấp cho cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách và phụ cấp đối với ấp, tổ nhân dân thuộc các xã xây dựng NTM; hỗ trợ lãi vay khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn huyện; tuyên truyền các chính sách về cơ sở vật chất ban đầu cho các hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ thành lập mới. Trong đó, việc vận dụng chính sách hỗ trợ lãi vay của TP.HCM để khuyến khích chuyển đổi nông nghiệp theo hướng đô thị, tạo điều kiện cho nông dân có them nguồn vốn và mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, năng suất tang lên rõ rệt.

2. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý xây dựng NTM ở các cấp

Phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về xây dựng NTM cho cán bộ, đảng viên cấp huyện, xã, cử cán bộ xã, huyện và người dân tham gia các đợt khảo sát thực tế, học tập kinh nghiệm về mô hình hay và cách làm tốt về xây dựng NTM ở địa phương khác, giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, người dân có kiến thức, kinh nghiệm và chủ động trong việc thực hiện chương trình xây dựng NTM. Từ đó, hình thành bộ máy chỉ đạo và tham mưu giúp việc đồng bộ từ huyện tới xã, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, là nòng cốt tổ chức thực hiện Chương trình với hiệu quả cao, chất lượng.

3. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động

Công tác tuyên truyền về Chương trình xây dựng NTM được thực hiện rộng khắp đến tất cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng; đồng thời giới thiệu các mô hình và gương nông dân tiêu biểu trong phong trào xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Qua đó, đã giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn huyện nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM từ đó cùng chung tay, góp sức để xây dựng thành công chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Nhà Bè, TP.HCM.

4. Đề ra các giải pháp nhằm phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất và nâng cao hoạt động văn hóa – xã hội – môi trường, thường xuyên củng cố hệ thống chính trị:

- Triển khai thực hiện những mô hình phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả như nuôi tôm, trồng nấm, rau sạch..., tập trung đẩy mạnh thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đồng thời, tạo điện kiện và vận dụng các chính sách để hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả.

- Tạo các điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã ổn định hoạt động và phát triển theo mô hình hợp tác xã tiên tiến hiện đại; hỗ trợ thuê đất để xây dựng trụ sở hợp tác xã và khu vực đóng gói sản phẩm. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn huyện, đặc biệt ở lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao đóng góp của kinh tế tập thể vào tăng trưởng kinh tế, tăng hộ khá giảm hộ nghèo, tạo thêm việc làm mới cho người lao động.

- Xây dựng nhiều Đề án về môi trường, như Đề án giải pháp, xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn, rác thải, tạo sự chuyển biến cơ bản về cảnh quan môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp giai đoạn 2017 - 2020; Chuyên đề giải pháp thực hiện, tổ chức thu gom rác, xử lý nước thải, rác thải hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh tại các xã xây dựng NTM ở huyện Nhà Bè giai đoạn 2017 - 2020; Đề án quản lý rác thải trên địa bàn huyện Nhà Bè giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025.

5. Huy động mọi nguồn lực tham gia Chương trình xây dựng NTM

Các xã đã vận động 1.803 hộ dân hiến đất mở rộng 106 tuyến hẻm đóng góp hơn 13.817 ngày công lao động, ngoài ra vận động nhân dân duy tu, sửa chữa đường nông thôn có 106 tuyến hẻm với tổng số tiền 32.470.526.000 đồng.

Trong đó, tổng diện tích đất do nhân dân hiến để thực hiện các công trình là 96.063,5m2 (bao gồm: xã Phú Xuân 2.030 m2, Nhơn Đức 12.497 m2, Hiệp Phước 35.887 m2, Long Thới 7.981,96 m2, Phước Kiển 4.877,54 m2, Phước Lộc 32.790 m2). Đây là nguồn lực xã hội vô cùng to lớn, phát huy sức mạnh của toàn dân trong quá trình xây dựng NTM. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Huyện chăm lo quà nhân dịp tết, hỗ trợ dụng cụ sinh kế cho hội viên, đoàn viên và xây dựng nhà tình thương, chăm lo học bổng cho học nghèo.

Qua 10 năm triển khai thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM”, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM TP.HCM, sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của các sở, ngành, sự chung tay góp sức của các quận nội thành, các Đảng ủy cấp trên cơ sở và các Tổng công ty trên địa bàn TP.HCM; sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị huyện Nhà Bè và đặc biệt là sự đồng thuận, sự chung tay góp sức của nhân dân, diện mạo của huyện Nhà Bè đã được thay đổi một các rõ rệt. Tuy nhiên trong trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế nhất định, như tình hình ô nhiễm nguồn nước ở các tuyến sông, kênh, mương; chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, có tiến bộ nhưng sự chuyển biến chưa rõ nét, vẫn đang là vấn đề nổi lên được xã hội quan tâm. Sản xuất nông nghiệp truyền thống thu hẹp; một số công trình đầu tư xây dựng theo đề án còn chậm.

LINH LAN