TP.HCM thu hút chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao
Sống xanh - Ngày đăng : 12:41, 12/09/2022
Các vị trí bao gồm: 2 chuyên gia chọn tạo và sản xuất giống thủy sản, bệnh học thủy sản; 2 chuyên gia chọn tạo giống cây trồng (rau, hoa lan, cây cảnh, cây dược liệu); 2 chuyên gia tư vấn, định hướng về công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh ứng dụng trong nông nghiệp.
Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp cao của TP.HCM còn cần 1 chuyên gia tư vấn định hướng công nghệ trong lĩnh vực chế biến bảo quản và sau thu hoạch; 1 chuyên gia đào tạo tư vấn nghiên cứu sản xuất kit chẩn đoán sinh học.
Ứng viên cần có trình độ tiến sĩ trở lên ở đúng chuyên ngành, có ít nhất 3 hoặc 5 năm kinh nghiệm, đã chủ trì hoặc thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học các cấp…
Các chuyên gia sẽ hưởng mức lương hằng tháng theo Quyết định 17/2019 của UBND TP.HCM. Theo đó, chuyên gia được chi trả mức lương hằng tháng với số tiền bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số của bảng lương chuyên gia cao cấp ban hành kèm theo Nghị định 204/2004 của Chính phủ.
Cụ thể, những trường hợp là giáo sư, phó giáo sư được hưởng bậc 2 (hệ số 9,4); các trường hợp còn lại được hưởng bậc 1 (hệ số 8,8).
Trước đó, tháng 3/2022, UBND TP.HCM cũng ban hành kế hoạch thu hút chuyên gia cho 5 vị trí thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM.
Vào tháng 8/2022, trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm giống, nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM lần thứ 8, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM tổ chức hội thảo "Tư duy kinh tế nông nghiệp trong sản xuất và thương mại giống cây trồng".
Theo PGS.TS Dương Hoa Xô - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM, vai trò là trung tâm khoa học kỹ thuật, TP.HCM có lợi thế trong việc nghiên cứu sản xuất giống cây trồng, vật nuôi cung cấp cho thị trường khu vực. Để TP.HCM trở thành trung tâm giống của khu vực cần tập trung nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng thuộc thế mạnh của mình như rau, hoa kiểng, dược liệu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM, năm 2021, toàn thành phố có 25 đơn vị sản xuất - kinh doanh giống cây trồng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, lượng hạt giống các loại sản xuất là hơn 173.500 tấn, nhập khẩu là 18.085, tấn, xuất khẩu là 2.157 tấn.
Ngoài ra, trên địa bàn có 20 đơn vị triển khai nuôi cấy mô thực vật, cung cấp khoảng 16 triệu cây giống cấy mô mỗi năm (chủ yếu là các giống lan) để phục vụ mở rộng sản xuất hoa kiểng trên địa bàn thành phố và các tỉnh.