Hoa, cây kiểng: Tiềm năng, lợi thế của ngành nông nghiệp đô thị ở TP.HCM
Sống xanh - Ngày đăng : 10:59, 28/12/2022
Ngày 27/12/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM phối hợp với UBND huyện Củ Chi chủ trì hội thảo “Phát triển sản xuất, cung ứng hoa, cây kiểng theo định hướng nông nghiệp đô thị tại TP.HCM.”
Theo TS Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM, hiện đối với ngành nông nghiệp, diện tích sản xuất hoa, cây kiểng trên địa bàn Thành phố từ năm 2016 - 2020 đạt 2.510 ha (vượt 12% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 2.250 ha). Tuy nhiên, 02 năm 2020 - 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, kéo theo tình hình sản xuất, tiêu thụ hoa cây kiểng bị giảm theo.
Vì vậy, hội thảo nhằm nhận định tình hình sản xuất, tiêu thụ hoa, cây kiểng tại TP.HCM và các tỉnh lân cận trong 02 năm 2021 - 2022; đồng thời, tạo cơ hội để thảo luận, định hướng phát triển sản phẩm hoa, cây kiểng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của ngành nông nghiệp đô thị.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh, vào ngày 26/10/2022 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030 với mục tiêu “xây dựng và phát triển một cách bền vững, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.”
Từ đó định hướng phát triển sản xuất hoa, cây cảnh tại các vùng trọng điểm từ nay đến năm 2030 sẽ hình thành các vùng chuyên canh, các làng nghề về sản xuất hoa, trồng cây cảnh gắn với phát triển du lịch nông thôn, trong đó có TP.HCM.
Theo TS Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM, TP.HCM ban hành quyết định phát triển nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Thành phố, trong đó, hoa, cây kiểng được xem là sản phẩm chủ lực và sản phẩm tiềm năng.
Ông Đinh Minh Hiệp cho biết thêm, từ năm 2004, UBND TP.HCM đã ban hành nhiều Quyết định về Chương trình mục tiêu phát triển hoa, cây, kiểng, cá cảnh trên địa bàn Thành phố. Đến năm 2018, TP.HCM ban hành quyết định phát triển nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Thành phố, trong đó, hoa, cây kiểng được xem là sản phẩm chủ lực và sản phẩm tiềm năng.
Hội thảo còn là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp, hộ dân gặp mặt, chia sẻ thông tin về các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ phát triển giống và tổ chức sản xuất sản phẩm hoa, cây kiểng của TP.HCM. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình Phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM phối hợp với UBND huyện Củ Chi chủ trì hội thảo “Phát triển sản xuất, cung ứng hoa, cây kiểng theo định hướng nông nghiệp đô thị tại TP.HCM.”
Theo TS Lê Thị Thúy Ái, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM), từ năm 2016 - 2020, nhu cầu hoa cây kiểng bình quân tăng khoảng 15%/năm. Đây được xem là tiền đề cho việc phát triển trồng hoa, cây kiểng thành hàng hóa lớn. Sản xuất, kinh doanh trồng hoa, cây kiểng hiện đã trở thành ngành có tiềm năng lớn và phát triển tại nhiều địa phương.
Diện tích sản xuất hoa, cây kiểng trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 đạt 2.510 ha. Giá trị sản xuất hoa, cây kiểng bình quân đạt khoảng 01 tỷ đồng/ha/năm.
Theo TS Lê Thị Thúy Ái, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM), từ năm 2016 - 2020, nhu cầu hoa cây kiểng bình quân tăng khoảng 15%/năm. Đây được xem là tiền đề cho việc phát triển trồng hoa, cây kiểng thành hàng hóa lớn.
Về ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất hoa, cây kiểng, theo TS Thúy Ái, 66 % hộ trồng hoa lan quy mô từ 5.000 m2 trở lên ứng dụng cơ giới hóa như hệ thống tưới phun tiết kiệm nước ứng dụng cơ giới. Về công tác chọn tạo và phát triển giống hoa, cây kiểng, các cơ quan chuyên môn của thành phố đã đánh giá tính thích nghi và các đặc điểm nông sinh học của các mẫu giống và chọn 20 giống lan Dendrobium; 10 giống hoa nền, 10 giống kiểng lá phù hợp với điều kiện sản xuất và thị hiếu người tiêu dùng.
TP.HCM đã sưu tập, lưu trữ được 273 giống hoa, cây kiểng các loại; và nhân nhanh 1,2 triệu cây giống hoa lan, hoa nền, kiểng lá, xuất vườn trên 500.000 cây giống phục vụ sản xuất. Trung tâm Công nghệ Sinh học tập trung nhân nhanh các giống chủ lực như lan Dendrobium, Hồ điệp và các giống hoa nền (hoa Chuông, Đồng tiền, Cúc Pico).
171 mô hình trình diễn khuyến nông đã được chuyển giao cho 882 lượt hộ nông dân tham gia sản xuất hoa, cây kiểng với diện tích tương ứng khoảng 92,16 ha.
TP.HCM đã sưu tập, lưu trữ được 273 giống hoa, cây kiểng các loại...
... và nhân nhanh 1,2 triệu cây giống hoa lan, hoa nền, kiểng lá, xuất vườn trên 500.000 cây giống phục vụ sản xuất. Ảnh: Nhà vườn chuyên trồng lan Hạnh Phúc (Củ Chi)
Đến nay trên địa bàn TP.HCM có 09 hợp tác xã và 41 tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực hoa kiểng, đạt được mục tiêu đề ra là hỗ trợ thành lập các hợp tác xã hoa kiểng tại các quận huyện chủ lực. Trong đó, mỗi quận huyện có ít nhất 01 hợp tác xã và duy trì ít nhất 70 % hoạt động có hiệu quả.
Đặc biệt, TP.HCM đã hỗ trợ vốn cho các hộ sản xuất hoa cây kiểng trên địa bàn Thành phố: từ năm 2016 đến ngày 20/11/2020, 870 lượt vay vốn với tổng số vốn đầu tư là 1.264,162 tỷ đồng, tổng số vốn vay được hỗ trợ lãi vay là 730,006 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng như nông dân trong lĩnh vực trồng hoa, cây kiểng cho rằng phát triển chuỗi cung ứng hoa, cây kiểng của TP.HCM thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng. Việc hoàn thiện sản phẩm, dự báo cung cầu định hướng sản xuất, liên kết chuỗi thúc đẩy tiêu thụ cần được chú trọng tại kế hoạch phát triển hoa, cây kiểng.
Dữ liệu số hóa theo diện tích và hộ tham gia sản xuất được thiết lập nhưng chưa được khai thác nhằm phân tích cung cầu, kết nối tiêu thụ và điều chỉnh sản xuất.
Nhà vườn của anh Ngọc Chương (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) đang chuẩn bị cây giống.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu, thử nghiệm giống hoa, cây kiểng chưa theo kịp và chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất theo thị trường; chưa góp phần định hướng cơ cấu chủng loại hoa, cây kiểng trong việc phát triển ngắn và dài hạn; ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng hoa cây cảnh còn hạn chế.
Các chính sách về ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa, cây cảnh cũng chưa được triển khai thực hiện rộng rãi. Việc xây dựng hệ thống thông tin thị trường, phát triển giao dịch thương mại điện tử thông qua các hoạt động hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu, gắn kết phát triển du lịch sinh thải chưa phát huy hiệu quả mạnh; kinh doanh hoa cây cảnh hiện còn mang tính tự phát.