Ngân hàng điều chỉnh room tín dụng mở đường cho doanh nghiệp bất động sản phục hồi

Tài chính - Ngày đăng : 17:07, 12/09/2022

Việc điều chỉnh room tín dụng mới nhất của Ngân hàng Nhà nước là một động thái "bẻ khóa" tiền tệ tích cực, giúp trực tiếp bơm nguồn tiền vào nền kinh tế hậu Covid-19, từ đó tiếp sức cho các lĩnh vực và ngành nghề bao gồm dịch vụ, sản xuất, kinh doanh và bất động sản.

Trong nửa đầu năm 2022, dòng vốn cho thị trường bất động sản bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, ngày 7/9/2022, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông báo cho biết đã có những điều chỉnh room tín dụng cho các ngân hàng, tạo điều kiện vay thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Việc thông báo và điều chỉnh tăng trưởng tín dụng trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN và đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng nâng cao khả năng quản trị kinh doanh, an toàn hoạt động, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.

Cụ thể, các ngân hàng đã thông báo điều chỉnh hạn mức room tín dụng như Sacombank 4%; Agribank 3,5%; MB 3,2%; Vietcombank 2,7%; TPBank 1,2% SHB 3,2%; OCB 3,1%; VIB 3%,... Thông tin này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách hàng của thị trường bất động sản.

Việc này phần nào giải tỏa được "cơn khát" về vốn mà cộng đồng doanh nghiệp đã phải “thắt lưng buộc bụng” trong thời gian qua do khó tiếp cận vốn ngân hàng. Bởi lẽ trước đó đã có rất nhiều ý kiến phản ánh những khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt do thiếu vốn.

Nới room: Cũng chỉ giải tỏa 1 phần sức ép

Theo diễn biến thực tế tính đến cuối tháng 8/2022, tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan trong những tháng qua. Việc nới room ngoài tác động hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thì cũng có ý nghĩa hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, điều tiết cho mặt bằng lãi suất giữ được nhịp hài hòa hơn.

Tuy nhiên, tỷ lệ room mà các ngân hàng được nới không cao lắm, chỉ khoảng từ 1 - 4% nên tác động của việc nới room cũng chỉ ở mức vừa phải. Ngay cả gói hỗ trợ 2% lãi suất cũng không hẳn sẽ được đẩy nhanh hơn từ tác động của việc nới room. Theo đó, thực chất room cũng không phải là lý do chính của sự chậm trễ triển khai gói 2% lãi suất, mà nguyên nhân chậm là do chính các ngân hàng vẫn có tâm lý “ngại” triển khai do lợi ích từ việc này không lớn, trong khi chi phí vận hành và trách nhiệm đeo nặng trên vai.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng vẫn luôn “cảnh giác” trong khâu giám sát việc thực hiện cho vay của các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước luôn cảnh báo việc các ngân hàng thương mại rót vốn vào các lĩnh vực rủi ro cao, những lĩnh vực đầu cơ,… có thể xảy ra nhiều vấn đề lớn trong điều hành như áp lực lạm phát tăng, cũng như vòng xoáy tăng lãi suất, tăng nợ xấu...

Thậm chí trong trường hợp các ngân hàng cố tình tham gia các lĩnh vực rủi ro thì Ngân hàng Nhà nước sẽ còn giảm room của các ngân hàng này.

Hỗ trợ giải bài toán về vốn đầu tư

Trong bối cảnh các quy định về tín dụng cho ngành bất động sản có nhiều thay đổi, việc kêu gọi vốn thông qua hình thức mua bán sát nhập (M&A) vẫn được các nhà đầu tư tin tưởng và tìm đến những đơn vị tư vấn M&A tiêu chuẩn quốc tế để được hỗ trợ kết nối với những đối tác phù hợp.

Nhận định về xu hướng M&A của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, các chuyên gia trong lĩnh vực đã nhận định đây là cơ hội lớn dành cho các doanh nghiệp trong nước.

Việc liên kết giữa các nguồn lực tài chính khác nhau giúp cho doanh nghiệp cải thiện năng lực phát triển các dự án và thu hút nguồn khách hàng mới do các nhà đầu tư nước ngoài đem lại. Ngoài ra, đối với những công ty niêm yết, điều này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu hút vốn nước ngoài trên sàn giao dịch chứng khoán. Các công ty quy mô nhỏ với năng lực tài chính thấp cần phải có chiến lược tái cấu trúc lại danh mục đầu tư, đảm bảo hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án.

Văn Trung