Doanh nhân khởi nghiệp ở tuổi 50

Bạn đọc - Ngày đăng : 16:34, 08/11/2022

Nữ doanh nhân đã về hưu nhưng vẫn nhiệt huyết với vai trò cố vấn tạo ảnh hưởng tích cực và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng; một doanh nhân khởi nghiệp ở tuổi 50 với sự bình tĩnh,“chậm mà chắc” truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ. Họ cùng chung quan điểm: “Làm việc không phải để làm giàu mà để vui và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai”.

Người cố vấn
Sau buổi giới thiệu sách “Người cố vấn” mới đây, bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam, nguyên Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food, chia sẻ bà cảm thấy rất vui và bản thân có giá trị. 


“Khi một cá nhân muốn phát triển bằng sự cho đi, mentoring (cố vấn – PV) là một phương pháp hữu ích dành cho họ. Và khi cá nhân phát triển bằng một phương pháp tốt, họ sẽ ảnh hưởng tích cực và đóng góp nhiều hơn cho tổ chức, cộng đồng mà họ đang là một thành viên”, bà Lâm nói về chương trình bà đang gầy dựng. 
Chính vì muốn tạo giá trị cho cộng đồng, dù đã nghỉ hưu song hơn 6 năm qua, bà Lâm vẫn luôn nhiệt huyết chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, giúp nhiều bạn trẻ tự tin, thành công với công việc của mình thông qua các chương trình mentoring ở doanh nghiệp, câu lạc bộ, một kèm một... 
“Mentoring nguyên tắc là cho đi vô điều kiện. Người được cố vấn được miễn chi phí tư vấn. Vì vậy, nếu hoạt động phổ biến như chương trình khởi nghiệp quốc gia, chúng ta sẽ tận dụng được một nguồn lực khổng lồ từ đội ngũ doanh nhân và những người có nhiều trải nghiệm”, bà Lâm nói. 


Đặc biệt, công việc mentor (người cố vấn) đã mang đến nhiều niềm vui cho nữ doanh nhân này, chị tâm sự: “Trước đây, tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của câu nói hạnh phúc là mang lại hạnh phúc cho người khác. Qua công việc cố vấn tôi làm thời gian qua, giúp được nhiều mentee (người được cố vấn) thành công, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và thấy mình còn có giá trị khi đóng góp cho cộng đồng”. 
“Người cố vấn” là cuốn sách thứ ba, sau hai cuốn “Người thả diều” và “Người dẫn chuyện”, theo bà Lâm, không chỉ viết sách mà làm gì bà cũng đều có niềm say mê với điều mình đã chọn. Điều khiến bà vui nhất là bà đã gầy dựng được mô hình mentoring khá thành công tại Sài Gòn Food và dù bà đã nghỉ hưu nhưng mô hình này đang được áp dụng khá tốt tại công ty. Đồng thời, qua triển khai mentoring ở một số doanh nghiệp, bà rất vui vì nhận thấy hoạt động này có hiệu quả tốt; từ đây, bà càng có thêm động lực, quyết định ký kết với một đơn vị làm dịch vụ tư vấn để đưa những kiến thức và quy trình thiết lập mô hình mentoring trong doanh nghiệp.


“Tôi mong các bạn trẻ có ý tưởng hoặc đã, đang khởi nghiệp  nên tìm đến các mentor trong các tổ chức cộng đồng. Doanh nghiệp nên tổ chức mentoring trong nội bộ để thế hệ đi trước kèm cặp cho thế hệ đi sau. Những kinh nghiệm, thành công, thất bại của thế hệ đi trước rất quý đối với các bạn trẻ kế thừa, giúp họ có lối đi ngắn nhất để đến với thành công mà ít bị trả giá. Nếu không có sự chia sẻ như vậy, những kinh nghiệm quý giá của doanh nhân sẽ mai một”, bà Lâm nói.

Khởi nghiệp ở tuổi 50
“Tôi khởi nghiệp không phải để làm giàu, mà muốn tìm kiếm niềm vui thực sự trong công việc”, ông Nguyễn Trung Dũng - Nhà sáng lập kiêm CEO Dh Foods chia sẻ về quyết định quay về Việt Nam khởi nghiệp sau 30 năm thành công, thất bại ở nước ngoài.
Ông Dũng cho biết, trong 3 lần khởi nghiệp tại Ba Lan, cũng như rất nhiều doanh nhân trẻ bây giờ, ông hiếu thắng, tham vọng, muốn “đánh nhanh, thắng nhanh” và thất bại. 
Trở lại quê hương, ông Dũng giữ vai trò quản lý ở một công ty lớn, song ông không cảm thấy vui khi làm công ăn lương và bắt tay khởi nghiệp lần thứ 4 ở tuổi 50 với Gia vị Việt. Ông Dũng xác định bản thân cần phải thay đổi từ tâm tính, phong cách quản lý – quản trị đến quan điểm về kinh doanh thì mới không đi vào “vết xe đổ”. 


“Tôi cảm thấy lòng mình đã bình lặng, muốn làm việc vì niềm vui hơn là làm giàu bằng mọi giá. Và, hơn 10 năm qua, mỗi ngày đến công ty làm việc tôi đều thấy vui; không chỉ tôi mà cả nhân viên trong công ty cũng làm việc rất thoải mái và vui vẻ. Tôi luôn mong muốn nhân sự của mình đi làm vừa phải có thu nhập tốt, vừa phải vui”, lãnh đạo Dh Foods chia sẻ.
Với tâm huyết đó, thay vì quản lý nhân sự bằng kỷ luật thông qua áp doanh số và áp KPI như trước kia, ông Dũng chọn cách quản trị theo hướng đào tạo, hướng dẫn và truyền cảm hứng để nhân viên yêu công ty và công việc của mình. 
Đồng thời, ông trao quyền cho các bạn trẻ, cho nhân viên 20% cổ phần công ty để nhân viên đóng góp cho công ty như là làm việc cho công ty của chính họ và doanh nghiệp sẽ có kết quả tốt. Mặc dù trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 khiến TP.HCM bị lock-down hơn 3 tháng liên tục, nhưng Dh Foods đã tăng trưởng đến 60% trong năm 2021.
“Tôi rút kinh nghiệm từ cách quản trị cũ ở 3 lần khởi nghiệp trước không hiệu quả nên áp dụng cách quản trị mới. Việc áp số hay áp KPI chỉ phù hợp với những mục tiêu ngắn hạn với những mối quan hệ đồng hành ngắn hạn giữa công ty và nhân sự. Tôi nhìn vào bức tranh rộng hơn và mục tiêu dùng nhân sự xa hơn, từ 5 - 10 năm. Chính vì vậy, tôi tuyển nhân sự là những người trẻ chưa có kinh nghiệm nhưng có đạo đức tốt, thông minh và ham học hỏi; không chỉ phục vụ mục tiêu kinh doanh tức thời mà còn gầy dựng nguồn nhân sự chất lượng cho tương lai”, ông Dũng cho hay. 
Khởi nghiệp ở tuổi 50, ông Dũng cho rằng “không muộn” và xác định ông “không điên cuồng chạy để nhanh chóng thành công bằng mọi giá, mà thủng thẳng đi từng bước và luôn tin mình sẽ đạt mục tiêu lớn đề ra”. Đây cũng là lời khuyên ông dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp, “không nên nóng vội, đi từng bước vững chắc; làm việc với niềm đam mê, nhiệt huyết, niềm vui trong công việc và thành công sẽ đến”. 

CẨM ANH