Đam mê, cánh buồm cho tuổi trẻ vượt sóng

Bạn đọc - Ngày đăng : 11:10, 10/03/2023

Khoảng hơn mươi năm về trước, khi thị trường lao động ở Việt Nam bắt đầu bừng nở và đón nhiều cơ hội mới cho người trẻ chọn lựa, tôi thường nghe người ta nói về đam mê trong công việc.

Đam mê không thể đo đếm bằng tiền

Thời đó, tôi còn là một nhân viên kỹ thuật làm về quản lý cấp nước cho một công ty nhỏ trong ngành nước. Công việc có lẽ cũng chỉ dừng lại ở chuyên môn, nếu tôi chỉ nhìn nhận mình như một nhân viên kiếm tiền bằng lương bổng rồi hoàn thành nhiệm vụ hằng ngày. Nhưng có một giá trị nằm ngoài số dự án phải hoàn thành trong sổ sách công ty: đó là đam mê.

Những câu hỏi luôn “thiêu đốt” tôi: Làm sao để thi công một đường ống tốt hơn? Làm sao để làm nhanh hơn, an toàn hơn, tiết kiệm hơn? Làm sao để những giao tiếp với đồng nghiệp ở từng khâu rõ ràng hơn, dễ ứng dụng ngoài công trường hơn?... Tôi cứ đau đáu, vì tin rằng mỗi chi tiết thuận lợi sẽ giúp việc mình làm hiệu quả hơn.

Sự tò mò biến thành đam mê. Đam mê thôi thúc người làm việc tìm con đường mới, vượt qua rào cản của suy nghĩ cũ, thói quen và cách làm việc cũ. Đam mê giúp người trẻ nhìn thấy con đường sự nghiệp nhiều cảm hứng và đi xa hơn mục tiêu ban đầu. Khi ấy, người trẻ không còn thấy công việc dừng ở nghĩa vụ nhàm chán để kiếm tiền nữa, mà thấy cơ hội để bản thân trưởng thành hơn giữa vùng đất hứa hẹn và màu mỡ.

Một lần, chúng tôi đi công tác với một tài xế lớn tuổi trong công ty. Chú là địa chỉ để giám đốc hỏi đủ việc khi cần. Nếu đến hiện trường thi công đi đường này bao lâu tới? Liệu cùng chuyến đi tới công trình kế tiếp cùng ngày kịp không? Hôm nay đoàn có khách chuyên gia đi cùng, chú nghĩ nên ăn trưa ở đâu? Nếu họp xong về lại thành phố khuya quá, chú có thể đưa chuyên gia đi ăn tối và về nơi nghỉ luôn được không?... Thời đó còn chưa có điện thoại tích hợp Google Maps như bây giờ, nhưng chú chỉ cần nghe địa điểm sẽ biết khu vực nào có thể kẹt xe giờ nào, áng chừng đi bao lâu thì tới nếu đi buổi sáng hay tầm giờ chiều. Thay vì răm rắp nghe theo lời giám đốc yêu cầu, chú sẽ đề nghị đi điểm này trước, điểm kia sau, để tránh giờ công nhân tan tầm, tránh khu vực đang thi công cầu gây kẹt xe. Có chú, chúng tôi bớt bao nhiêu việc. Cứ đến hiện trường làm xong, lên xe thì chú đã đặt quán cơm, chỉ cần ghé qua là có bữa trưa, bữa chiều đầy đủ. Công ty có một số công trình làm lâu dài, nên xung quanh khu vực công trình chú đều nắm rõ đường đi, hành trình, giờ giấc để tính toán thời gian cho anh em đi, về tiện lợi nhất. Giám đốc gọi chú là “anh chủ nhiệm”, một chức danh mà đoàn phim hay dùng cho người quán xuyến và kiểm soát mọi đầu công việc.

Bây giờ, mỗi khi tôi kể về người tài xế đó, một số đồng nghiệp trẻ tranh luận rằng chú làm quá nhiều việc, ngoài chức phận, không được trả công xứng đáng. Nếu đo đếm bằng tiền, công việc của chú tài xế phải do ba người đảm nhiệm: một thư ký sắp xếp lịch trình; một tài xế lái xe; một người quản lý chuyến đi, ăn uống cho chuyên gia. Nhưng có điều họ không đo đếm được, rằng chú từng kể với chúng tôi, chú thích ngồi sau vô-lăng, thích đi đây đi đó, tới chỗ nào cũng thích hỏi xem tập quán địa phương ra sao, ăn gì ngon… hệt một người du lịch bụi. Nghề tài xế cho chú được làm việc đó mà vẫn đảm bảo thu nhập để nuôi gia đình.

Đam mê không tính được bằng tiền hay phần công việc. Nó giúp người làm việc thỏa mãn phần giá trị mà họ tìm kiếm. Với chú tài xế là niềm vui du lịch bụi, với tôi là thấy công việc làm nhanh hơn, tiết kiệm hơn. Với người họa sĩ, đam mê là niềm vui sáng tạo ra tác phẩm mới độc đáo. Với bác sĩ, hạnh phúc là được thấy bệnh nhân hết đau đớn, trở về cuộc sống khỏe mạnh thường ngày. Người chạy bộ, thấy đam mê là cơ thể mình dẻo dai, vượt qua mọi giới hạn thể chất thông thường, hoặc tìm thấy sự bình yên trên đường chạy... Những niềm vui như vậy, nếu chỉ quy ra giờ lao động hay số tiền kiếm được thì chỉ đẩy người ta vào trạng thái như một con robot nhàm chán, không có động lực, làm sao duy trì được cảm hứng để cuộc sống tạo ra bao giá trị mà chúng ta tận hưởng mỗi ngày?

Người nông dân say mê làm việc trên cánh đồng - Ảnh: Internet

Đam mê - bệ phóng ưu việt

Đồng nghiệp trẻ hỏi tôi được gì nếu đổ công đổ sức cho đam mê? Tôi chỉ có thể trả lời niềm đam mê đó sẽ khiến cuộc sống mình ý nghĩa hơn. Dù làm bất cứ việc gì, từ lao động bình thường đến chuyên môn phức tạp, làm đúng công việc, làm tốt hơn bản thân mỗi ngày, và làm tốt hơn chuẩn thông thường của công việc sẽ đưa mình đến cung bậc mới mà mình khó có thể nhìn thấy nếu chỉ dậm chân tại chỗ. Niềm yêu thích và sự kiên định theo đuổi tận cùng công việc, tìm tòi, say mê, đặt câu hỏi sẽ đưa ta đến giá trị lớn hơn mỗi ngày.

Khác với thời trước, khi kinh tế còn khó khăn, nói chuyện công việc, mọi người thường gạt đam mê sang một bên, chỉ nói nghề này kiếm tiền ra sao, nuôi sống được gia đình không; giờ đây, người trẻ có nhiều không gian hơn để chọn con đường gắn với đam mê. Với tôi, khi cha mẹ cùng con chọn lựa nghề nghiệp, nên đặt đam mê lên bàn suy xét như một yếu tố quan trọng trong đời. Giai đoạn trưởng thành ban đầu rất quan trọng cho thành công lâu dài của người trẻ. Có thể sau này họ sẽ chọn nghề khác, con đường khác, nhưng bắt đầu bằng đam mê luôn là bệ phóng ưu việt hơn hẳn, giúp tiếp lửa và thúc đẩy giai đoạn trưởng thành ban đầu nhanh hơn và trọn vẹn hơn những người trẻ cùng lứa khác.

Tôi từng đọc bài viết về cậu bé Joseph Deen ở Mỹ, được mời làm game thủ chuyên nghiệp khi 8 tuổi. Phát biểu trên báo, cậu bé nói: “Tôi nghĩ rất nhiều về việc trở thành game thủ chuyên nghiệp, nhưng không ai coi chuyện đó là nghiêm túc hết”, cho đến khi cậu được ký hợp đồng với một đội chơi game chuyên nghiệp trị giá 33 ngàn USD. Câu chuyện không dừng ở chuyện chơi game hay thú vui, điều tôi chú ý là tâm thế của cậu bé, cậu nghĩ tới niềm vui đó như một chuyên môn, và cam kết với “trò chơi” mà cậu theo đuổi, thay vì chỉ chơi vì mê, vì nghiện và bỏ ngang cuộc sống hằng ngày.

Nhiều người có thể tranh luận rằng hiếm ai có được tài năng để theo đuổi đam mê. Đó chỉ là số hiếm hoi trời phú. Ngược lại, tôi tin đam mê là... miễn phí, là thứ chỉ có bản thân ta phải đối thoại với những rào cản tự mình tạo ra. Đam mê là chiến đấu với sự lười biếng giới hạn trong đầu mình, là vượt qua cảm giác “phải làm việc”, thay vào đó là tâm thế “muốn làm việc” và “được làm việc”, là vượt qua gánh nặng cảm xúc rằng mình ban ơn cho công việc, thay vào đó nhìn thấy công việc như một phần niềm vui để sống mỗi ngày. Đam mê có nhiều cung bậc. Nó đi xa hơn và trở thành đối thoại cá nhân của ta với chính mình, trả lời câu hỏi về giá trị sâu sắc mà mỗi chúng ta muốn tìm kiếm trong đời.

Theo đuổi đến cùng

Người trẻ thường phải đối mặt giữa việc tìm một công việc kiếm sống tốt hay chọn lựa mạo hiểm vì đam mê. Nếu ở giai đoạn này, họ không được khuyến khích hay định hướng đúng, tương lai có thể phải trả giá bằng sự nặng nề sống “qua ngày” trong công việc không đam mê và nhiều toan tính. Cuộc sống sẽ có đủ thời gian cho ta tính toán cả đời, chuyển hướng khi cần hoặc vất vả hơn để sinh tồn, vậy tại sao không chọn làm việc vì đam mê để tận hưởng niềm vui và tạo ra giá trị tốt nhất cho bản thân và cộng đồng trong khả năng của mình? Không có công việc gì là thấp kém, không có giới hạn nào đóng khung ngăn cản ta sáng tạo hay say mê. Có ai nghĩ nghề tài xế có thể trở thành niềm vui du lịch bụi chứ? Có ai ngờ làm nông dân cày mặt trong nắng mưa lại là niềm say mê tạo ra rau củ tươi sạch, an toàn? Có ai nghĩ nghề kỹ thuật khô khan như tôi, có thể ẩn chứa sau đó là niềm vui được thấy bà con, gia đình, hàng xóm của mình có dòng nước sạch nấu ăn, tắm rửa mỗi ngày?

Một số bạn trẻ lại cho rằng đam mê là đặc quyền của người giàu, có dư của ăn của để cho phần mơ mộng. Không phải vậy! Sự giàu có có thể giúp tài năng đi xa hơn và nhanh hơn, nhưng chúng không làm chậm lại những người có đam mê cháy bỏng theo đuổi nghề nghiệp. Khi có đủ đam mê, người làm việc sẽ xoay trở, tìm kiếm, đặt câu hỏi, sẽ nới rộng dần giới hạn của hoàn cảnh hay sự thiếu thốn vật chất. Khi tâm trí và đam mê rộng lớn, thế giới không còn nhỏ hẹp trong bốn bức tường quẩn quanh.

 Tôi từng biết một bạn trẻ ở gần nhà mình, quê Bến Tre. Từ nhỏ bạn đã rất mê vẽ. Nhiều người lớn lên sẽ gạt đam mê qua một bên đi kiếm sống, nhưng bạn không làm vậy. Bạn chọn theo học mỹ thuật, theo đuổi điều bạn say mê. Thời chúng tôi, đi học mỹ thuật cũng như kiểu nhà nghèo mà làm liều vậy, vì học xong không biết có kiếm sống được không. Nhưng vì yêu thích, từ khi còn là sinh viên năm hai bạn đã bắt đầu tập tành làm việc, thực tập ở các công ty thiết kế mỹ thuật, dành tất cả thời gian cho công việc này. Giờ bạn được làm công việc đó trọn vẹn, trở thành giám đốc mỹ thuật, được thiết kế sản phẩm bạn muốn, đi dự thi sáng tạo nhiều nơi... Những người từng giao công trình cho công ty bạn làm, đều yên tâm về chuẩn mực sản phẩm cũng như vẻ đẹp mà bạn nỗ lực tạo ra theo yêu cầu. Đam mê là vậy. Không phải ai trong chúng ta cũng có thể trở thành thiên tài để kể câu chuyện cảm hứng cho thế giới trầm trồ, nhưng dũng cảm sống cùng đam mê của mình và vẫn yêu thích làm việc mỗi ngày là thành tựu quan trọng để thấy cuộc sống nhiều ý nghĩa và đáng sống.

Đam mê bắt đầu từ những điều giản dị như vậy. Và nó đưa ta đi tới hành trình xa hơn, với niềm vui không biết trước được mỗi ngày!

NGUYỄN VĂN ĐẮNG (Phó Tổng Giám đốc Sawaco)