Phim ngắn truyền thông kêu gọi người tiêu dùng không sử dụng mật gấu

Dòng chảy - Ngày đăng : 14:25, 28/04/2017

KHPTO - Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt phim ngắn truyền thông kêu gọi người tiêu dùng không sử dụng mật gấu, góp phần chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật.

Phim được dàn dựng từ góc nhìn của một chú gấu có cuộc đời là những chuỗi ngày dài sau song sắt ở một trại nuôi nhốt gấu. Gấu hồi tưởng mình bị bán tới trang trại từ khi còn rất nhỏ và chịu đựng nỗi đau bị trích hút mật trong suốt nhiều năm. Ước mơ duy nhất của gấu là trước khi rời xa cuộc đời được một lần tận hưởng cuộc sống bên ngoài song sắt.

Được biết phim được quay tại một trại gấu và cuộc đời của chú gấu trong phim này chính là số phận của hầu hết các cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các trang trại. Chúng bị săn bắt từ tự nhiên từ khi còn nhỏ rồi bị bán cho các trại gấu, nơi mà cả phần đời còn lại chúng phải sống một cuộc sống tù ngục, bị trích hút mật và không bao giờ có cơ hội được quay trở lại với cuộc sống trong tự nhiên.

Tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật đã từng rất phổ biến tại Việt Nam. Đỉnh điểm là năm 2005 có tới hơn 4.300 cá thể gấu được ghi nhận bị nuôi nhốt tại hàng trăm cơ sở trên khắp cả nước. Trong 10 năm qua, những nỗ lực của các cơ quan chức năng, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật đã đạt được những bước tiến đáng kể. Theo số liệu năm 2015 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, số lượng cá thể gấu bị nuôi nhốt đã giảm mạnh còn khoảng 1.200 cá thể. Một nghiên cứu của ENV cũng chỉ ra lượng tiêu thụ mật gấu đã giảm 61% trong vòng 5 năm (2009 - 2014).

Phim ngắn truyền thông này là một phần trong chiến dịch truyền thông của ENV với mục đích nâng cao nhận thức, khuyến khích cộng đồng không sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu, từ đó chấm dứt việc nuôi nhốt gấu và bảo vệ các quần thể gấu còn lại trong tự nhiên. Phim sẽ được phát sóng trên các kênh truyền hình trung ương và địa phương tại Việt Nam trong một vài tháng tới, khán giả có thể xem trực tuyến tại kênh Youtube của ENV.

Mai Thy