Có thực phẩm xấu hay không?

Sống xanh - Ngày đăng : 07:32, 12/03/2023

Mỗi loại thực phẩm đều có vai trò nhất định trong việc nuôi dưỡng sự sống và sức khỏe con người. Không có thực phẩm tốt hay xấu hoàn toàn, quan trọng là phải biết cân đối và sử dụng phù hợp.

Rước bệnh vì ăn sai

Trên thực tế, không ít người vẫn hiểu lầm về thực phẩm, dẫn đến tình trạng ăn thiên lệch, hậu quả là gây bệnh cho bản thân lẫn gia đình. Chị Ngọc Mai (Q.7) có thói quen uống nước sâm, bông cúc mỗi ngày; trái cây thì chỉ ăn đu đủ, thanh long, cam, bưởi… cho mát. Theo chị, như vậy mới không bị nóng trong người, lại mát gan, giải độc. Việc liên tục ăn đồ mát lạnh khiến cơ thể chị bị mất cân bằng hàn nhiệt, hệ tiêu hóa hoạt động kém, gây đau bụng tiêu chảy, tiêu phân sống, người thường cảm thấy ớn lạnh, sụt cân, hoa mắt chóng mặt, phải nhập viện để điều trị.

Không ít người truyền tai nhau ăn muối gây tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch nên hầu như cắt bỏ muối trong bữa ăn. Thực tế, muối đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa chất điện giải cho cơ thể, thiếu muối gây hạ natri máu, thiếu điện giải, rối loạn chuyển hóa, giảm thể tích máu… dễ gây tụt huyết áp, mệt mỏi, suy kiệt, phù tay chân, thậm chí phù não… Đặc biệt, những người bị huyết áp thấp, thường đổ nhiều mồ hôi, tiêu chảy cần lưu ý bổ sung đủ lượng muối cần thiết.

Bữa sáng giàu vitamin và đầy đủ dưỡng chất

Hoặc như trường hợp của chị Thanh Sang (Q. Tân Bình), nghe thông tin ăn dầu mỡ, đường không tốt cho sức khỏe, chị tự động loại bỏ thực phẩm chiên xào, thực phẩm có mỡ, dầu, đường ra khỏi thực đơn. Hậu quả, sau một thời gian, chị thường cảm thấy đau đầu; choáng khi đứng lên ngồi xuống đột ngột; da dẻ thô ráp và sạm màu. Khi xét nghiệm máu, các chỉ số về cholesterol, đường trong máu đều thấp hơn so với ngưỡng tối thiểu an toàn.

Ngay cả những đồ bổ như nhân sâm, tưởng chừng rất tốt thì vẫn gây bệnh nghiêm trọng nếu lạm dụng. Những người có bệnh lý tăng huyết áp, dùng nhân sâm quá liều khiến huyết áp tăng vọt, có nguy cơ cao bị đột quỵ não.

Ăn uống cân bằng, đầy đủ chất

Theo Đông y, thiên nhiên có ngũ hành (mộc, hỏa, thổ, kim, thủy), ngũ vị (chua, đắng, ngọt, cay, mặn); con người có ngũ quan (nhìn, sờ, nghe, ngửi, nếm), ngũ tạng (can, tâm, tỳ, phế, thận). Sống thuận theo tự nhiên vẫn là cách sống bền vững nhất. Nếu hưởng trọn đầy đủ các mùi vị mà thiên nhiên ban tặng một cách hợp lý, cơ thể bạn sẽ cân bằng hàn nhiệt, âm dương, sẽ khỏe mạnh. Ngược lại thì sinh bệnh.

Theo Tây y, các chuyên gia về dinh dưỡng hiện đại luôn đưa ra lời khuyên với tất cả mọi người, nên thực hành một chế độ ăn cân đối và đầy đủ các nhóm dưỡng chất, giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh, chống lại bệnh tật ở mọi lứa tuổi. Cụ thể là nhóm ngũ cốc (chiếm từ 55-67% tổng năng lượng khẩu phần, nên luân phiên thay đổi các loại ngũ cốc, ưu tiên ngũ cốc nguyên cám); nhóm thực phẩm giàu đạm (cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật từ các loài gia súc, gia cầm, hải sản và đạm thực vật từ các loại đậu, đỗ…); nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật, chất béo từ các loại hạt hỗ trợ hấp thu các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K…); nhóm rau, quả (cung cấp vitamin và khoáng chất).

Thật ra, tạo sự cân bằng trong ăn uống thực chất rất đơn giản. Kim chỉ nam vẫn luôn là "đầy đủ các nhóm chất; đủ ngũ vị, đủ thực phẩm hàn nhiệt, âm dương". Tùy vào lứa tuổi, giới, thể chất và bệnh lý nền của từng đối tượng mà có sự thêm bớt cho phù hợp.

Thịt hến giàu chất đạm, có tính hàn

Chẳng hạn, với trẻ em, tỷ lệ chất béo nên tăng thêm, bao gồm cả nguồn từ động vật lẫn thực vật. Bởi trẻ cần chất béo để tạo mô liên kết, cấu tạo màng tế bào, nuôi dưỡng tế bào thần kinh, phát triển não bộ, tăng cường thị giác, sản xuất các nội tiết tố sinh dục… Điều này thuận theo quy luật phát triển tự nhiên, lý giải cho việc trẻ rất thích ăn thực phẩm chiên xào, có nhiều dầu mỡ, thích ăn da, thịt mỡ.

Hiểu được bản chất về cân bằng dinh dưỡng, các bậc phụ huynh dễ dàng cho bé ăn theo sở thích mà vẫn đảm bảo sự phát triển toàn vẹn cho trẻ. Việc hứng thú trong ăn uống thực sự rất quan trọng, bởi nó kích thích sản xuất ra rất nhiều chất có lợi cho thần kinh và khả năng tiêu hóa, hấp thu dưỡng chất của trẻ. Vì vậy khi chế biến cho trẻ, các món ăn nên có độ mỡ màng, mềm. Chẳng hạn, trẻ vốn ít thích ăn cá, nếu bạn muốn cho trẻ ăn cá thì nên chọn các loại cá có độ béo, mềm, ít xương như cá hồi, cá basa, cá điêu hồng…; áp chảo hoặc chiên kết hợp cùng cải bó xôi/cải thìa… xắt nhỏ đảo qua với dầu mè/dầu cá/dầu phụng/dầu oliu. Một cách phối hợp khác là trứng gà ốp la hoặc tôm hấp với cà rốt, đậu hòa lan, hoặc bông cải hấp trộn sốt mayonnaise… Như vậy, bảo đảm con bạn có đầy đủ dưỡng chất và thưởng thức bữa ăn với niềm hân hoan.

Dâu tằm có tính mát

Tương tự, những người thuộc nhóm lao động trí óc nên được bổ sung thêm nhóm dưỡng chất cần thiết cho não, gồm: glucose (đường), chất béo thiết yếu (omega-3 và omega-6), acid amin, phospholipid, vitamin và khoáng chất. Những chất này có nhiều trong các loại cá (cá basa, cá thu, cá ngừ, cá hồi...); các loại hạt (bí đỏ, hạt hướng dương, mè...); thịt, trứng, sữa, các loại đậu, ngũ cốc nguyên cám, rau...

Người mắc bệnh tim mạch, mỡ máu, huyết áp, ngoài ăn đầy đủ dưỡng chất, cần ưu tiên chất béo có nguồn gốc từ thực vật; hạn chế chất béo nguồn gốc động vật…

Người mắc bệnh đái tháo đường vẫn cần được cung cấp đường trong chế độ ăn uống nhưng là loại đường hấp thu chậm như trong các loại trái cây có độ ngọt vừa, nên ăn nhiều lần trong ngày, mỗi lần một ít để không thiếu đường, cũng không khiến đường tăng nhanh trong máu.

Hà Nguyễn (Hội Đông y Q. Phú Nhuận)