Chạy thận vì khối sa âm đạo

Y học - Ngày đăng : 16:04, 08/11/2022

Không điều trị kịp thời khối sa âm đạo, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bàng quang đã “lộn tay áo” và lộ thiên hoàn toàn ra môi trường bên ngoài. Dẫn đến vùng kín bệnh nhân bị chảy máu và rỉ nước tiểu liên tục vì lúc này bàng quang không thể chứa được nước tiểu. Hai thận của bệnh nhân bị suy nặng và buộc phải chạy thận nhân tạo.

Sợ mổ nên khối phồng âm đạo chảy máu, rỉ nước tiểu
Năm năm trước, bà N.T.X. (72 tuổi, đang sinh sống tại TP.HCM) bỗng thấy có khối phồng xuất hiện ở vùng âm đạo cách nay hơn 5 năm. Khối phồng này ngày càng lớn, tăng khi ho rặn, làm cho bà khó đi tiểu, mỗi lần đi tiểu bà phải dùng tay đẩy khối phồng âm đạo vào trong. 
Bà đi khám tại một bệnh viện lớn của TP.HCM, được chẩn đoán sa sinh dục và được yêu cầu phẫu thuật. Nhưng bà không đồng ý mổ vì nghĩ rằng khối sa chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt do vướng víu vùng âm đạo, chứ không gây ảnh hưởng gì nặng nề. Sau đó do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên khoảng 2 năm nay bà không đến bệnh viện tái khám. 
Gần đây, con gái bà vô tình phát hiện khối sa vùng âm đạo của mẹ mình chảy máu, nước tiểu rỉ ra liên tục và bà mệt nhiều nên đã vận động bà X. đi khám bệnh. Bệnh viện ban đầu sau khi thăm khám, phát hiện bà X. có nhiều vấn đề phức tạp chứ không chỉ là sa sinh dục nên đã  giới thiệu bà đến Bệnh viện Bình Dân điều trị. 
BS.CKII. Phạm Hữu Đoàn, Trưởng khoa Niệu nữ - Niệu Chức năng, Bệnh viện Bình Dân cho biết: “Khối phồng vùng sa ra từ âm đạo của bà X. không chỉ đơn giản là tử cung, mà bà còn bị sa bàng quang, toàn bộ niêm mạc bàng quang (lớp lót bên trong bàng quang) cũng đã bị lộ toàn bộ ra bên ngoài. 
Nói dễ hiểu là bàng quang đã “lộn tay áo” và lộ thiên hoàn toàn ra môi trường bên ngoài gây nên tình trạng chảy máu và rỉ nước tiểu liên tục vì lúc này bàng quang không thể chứa được nước tiểu. Tình trạng này làm cho hai thận của bà X. bị suy nặng vì thận bị ứ nước lâu ngày”.

Chức năng thận không thể phục hồi
Các bác sĩ của khoa Niệu nữ - Niệu Chức năng, Bệnh viện Bình Dân, cũng cho biết thêm những bệnh nhân có tình trạng thận ứ nước quá lâu, dù được phẫu thuật cũng không thể hồi phục được chức năng thận hoàn toàn do đã bỏ qua thời gian vàng để điều trị. Nhiều bệnh nhân sau đó sẽ phải chạy thận suốt đời, gây ảnh hưởng nặng nề lên sức khỏe cũng như gánh nặng về chi phí điều trị bệnh.
Phần lớn người bệnh khi phát hiện mình có khối phồng lồi ra ngoài âm đạo thường nghĩ rằng đây chỉ là sa tử cung, là bệnh của tuổi già, không thể tránh khỏi và có thể không cần điều trị gì. 
Theo BS. Huỳnh Đoàn Phương Mai, Phó trưởng khoa Niệu nữ - Niệu Chức năng, Bệnh viện Bình Dân, đây là quan niệm hết sức sai lầm. Bên trong khối sa vùng âm đạo ngoài tử cung còn có thể là bàng quang, niệu quản, trực tràng, ruột non. Các cơ quan này khi sa ra ngoài sẽ gây ra các bất thường về hệ tiết niệu, tiêu hóa, sinh dục... Sa âm đạo không phải là bệnh lý chỉ xuất hiện ở người già, mà còn có thể xuất hiện ở cả tuổi trung niên, khi người bệnh có những chấn thương vùng chậu, sinh đẻ nhiều lần, béo phì...
BS. Huỳnh Đoàn Phương Mai cho biết: “Sa âm đạo là bệnh lý nên điều trị sớm nhằm tránh những biến chứng đáng tiếc không thể hồi phục như trường hợp kể trên. Rất nhiều biến chứng có thể xảy ra nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng và chậm trễ như hạn chế vận động, viêm loét âm đạo, chảy máu vùng âm đạo, đau nặng vùng âm đạo và bụng dưới, ngoài ra còn khiến cho thay đổi cấu trúc của không chỉ vùng sinh dục mà còn cả hệ tiết niệu khiến cho nhiễm khuẩn đường tiết niệu và suy giảm chức năng thận nhiều mức độ”. 
BS. Mai còn cho biết thêm, khi bạn nhìn thấy âm đạo của mình có khối sa ra ngoài nghĩa là khi đó thành âm đạo đã bị suy yếu nhiều. Trong giai đoạn sớm, người bệnh không thể nhìn thấy khối sa của mình mà bác sĩ chuyên khoa cần phải thăm khám mới chẩn đoán được. 
Hiện nay, bên cạnh phẫu thuật, rất nhiều phương pháp điều trị sa âm đạo “nhẹ nhàng, không đau, không cần nhập viện” để điều trị sa âm đạo như sử dụng thuốc, tập sàn chậu, laser âm đạo. 
BS.CKII. Phạm Hữu Đoàn chia sẻ: “Chúng tôi mong rằng bệnh nhân có thể khám và phát hiện sớm những bệnh lý khó nói của phụ nữ để không bỏ qua thời gian vàng trong điều trị, tránh những biến chứng không thể hồi phục được do đến bệnh viện ở giai đoạn muộn”. 

HƯƠNG CÁT