Những phụ nữ mê nghề thuốc nam

Bài và ảnh: TIÊN SA| 18/05/2021 07:14

KHPTO - Đến “Phiên chợ nông sản năm 2021” do Hội nông dân TP. Đà Nẵng tổ chức, chúng tôi ấn tượng với hai gian hàng bày bán các mặt hàng nam dược với mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, đó là gian hàng dược liệu Hải Trang (của Hội nông dân huyện Hòa Vang) và gian hàng dược liệu Bách Hội (của Hội nông dân quận Thanh Khê).

Gian hàng dược liệu Hải Trang khá đông người. Vừa bận rộn cùng các người thân trong gia đình bán các gói dược liệu, chị Trần Thị Chinh (53 tuổi, trú thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) - chủ cơ sở Hải Trang cho hay, cách đây hơn 20 năm, gia đình chị khó khăn lắm, làm nông và lại đông con, bản thân lại đau ốm liên miên nên nhà cứ là “hộ nghèo” triền miên. Từ khi có nghề thu hái, chế biến những loài cây dược liệu trong vùng mà gia đình chị thoát nghèo, có nguồn thu nhập ổn định.

“Năm đó tôi hay đau ốm, cơ may gặp người bạn của chồng tôi là LY. Phan Công Tuấn mách bảo cho một số cây thuốc và bài thuốc chữa bệnh, nhờ đó sức khỏe của tôi dần được cải thiện. Say mê và yêu quý công dụng tuyệt vời của những loài cây thuốc ở địa phương, vợ chồng tôi tự tìm tòi, học hỏi và bắt đầu nghề thu hái, chế biến, buôn bán dược liệu. Để có nguồn dược liệu đa dạng, ổn định, vợ chồng tôi phải lên các cánh rừng ở Bà Nà, Sơn Trà, Hòa Bắc, Hòa Phú, Đông Giang… tìm nguyên liệu. 90% nguồn nguyên liệu tại Đà Nẵng, phần còn lại là các vùng ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam…” - chị Chinh cho hay.

Chị Chinh giới thiệu với chúng tôi khoảng 50 mặt hàng, trong đó có một số dược liệu chủ lực như: cây thìa canh hỗ trợ điều trị tiểu đường, mỡ máu, hạ đường huyết; cây ngũ gia bì được áp dụng để điều trị nhức xương khớp, suy nhược, sưng đau, tiểu tiện kém; khổ qua rừng hỗ trợ điều trị tiểu đường, thanh nhiệt, giải độc, gói lá xông spa, gói lá tắm sau sinh, gói lá tắm cho bé trừ rôm, sảy; giá cả bình quân mỗi gói khoảng 30.000 đồng…

Năm 2020, Trung tâm khuyến ngư nông lâm TP. Đà Nẵng đã hỗ trợ 100 triệu đồng để chị Chinh đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị. Nhờ đó, cơ sở dược liệu của Hải Trang duy trì sản xuất thường xuyên, năng suất và chất lượng dược liệu tăng cao. Trung bình mỗi ngày sấy 300 kg cây tươi, sẽ được 50 kg khô, tạo việc làm cho 8 lao động. Sau khi trừ chi phí, với mức lãi từ 10 triệu đồng/tháng, gia đình chị đã thoát nghèo và các con được ăn học đến nơi đến chốn.

Chị Chinh cho hay, để đảm bảo chủ động về nguồn nguyên liệu thì gia đình chị dự định thuê đất xây dựng vườn dược liệu để mở rộng quy mô nhà xưởng, cũng như đầu tư trồng dược liệu. Hiện nay, Cơ sở dược liệu Hải Trang chuyên mua bán các cây lá thuốc nam như: chè dung, chè vằng, cà gai leo, giảo cổ lam, khổ qua rừng… với giá trung bình 30.000 đồng/kg; đồ rừng ngâm rượu như: ba kích tím, đinh lăng, táo mèo, chuối hột rừng… Ngoài ra, còn có các loại nấm lim xanh, nấm linh chi, mật ong rừng, lá xông. Các loại dược liệu trên được chị Chinh cung cấp cho nhiều nhà thuốc nam hoặc đông y, các cơ sở spa trên địa bàn TP. Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng... Hiện nay, sản phẩm Cơ sở dược liệu Hải Trang đang hoàn thiện chất lượng, mẫu mã để được ngành chức năng công nhận là sản phẩm OCOP của địa phương.

Tại gian hàng của Cơ sở dược liệu Bách Hội, chị Lê Thị Ngọc Anh (38 tuổi, trú tại tổ 1, thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), chủ cơ sở cho biết, trước đây chị tốt nghiệp khoa kế toán kiểm toán của Trường đại học kinh tế (Đà Nẵng), sau đó vì mê nghề thuốc nam nên chị theo học y học cổ truyền 2 năm do Hội đông y TP. Đà Nẵng tổ chức. Ngoài ra, chị Ngọc Anh đãđi đến các hiệu thuốc dược liệu, gặp gỡ các thầy thuốc đông y uy tín để học hỏi thêm cách nhận biết láthuốc, cây thuốc rồi tựmày mò, tìm hiểu thêm thông tin trên mạng. Dần dần chị nắm vững, thông thạo nhiều về nuôi trồng, thu mua, chế biến loại cây thuốc, nhất là cây dược liệu quý hiếm trên rừng. Bảy năm qua, chị xây dựng cơ sở dược liệu chữa bệnh với khoảng 50 mặt hàng như đinh lăng, ba kích, khổ qua rừng, các loại nấm dược liệu, sâm rừng các loại, chuối khô, táo mèo… Các sản phẩm sau khi phơi, sấy khô được vô bao bì với máy hút chân không, máy ép bao bì… Cụ thể như sản phẩm hoa mã đề khô có giá 60.000 đồng/kg, thời hạn sử dụng từ 3 - 6 tháng.

Hiện nay, cơ sở có 7 nhân công thời vụ, 10 đại lý thu mua, bán dược liệu ở Quảng Nam, Đà Nẵng; thu nhập mỗi tháng từ 5 - 7 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ngoài ra, Cơ sở Bách Hội còn mở quán trà “Dưỡng sinh Bách Hội” có giá từ 20.000 - 50.000 đồng/ly (tùy theo chất lượng) nhằm để du khách, người dân đến uống trà bồi dưỡng sức khỏe và tìm hiểu về giá trị cây thuốc nam. Chị đang hoàn thiện sản phẩm chủ lực để được ngành chức năng công nhận sản phẩm đạt OCOP địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những phụ nữ mê nghề thuốc nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO