Lặng lẽ, tận tụy làm công việc xác thực chất lượng sản phẩm cho hầu hết các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam trước khi xuất khẩu, ông Henry Bùi- Giám đốc Trung tâm phân tích công nghệ cao Hoàn Vũ có một mong muốn lớn nhất: Nông dân, doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam sẽ chinh phục được tất cả thị trường khó tính nhất thế giới.
Ông luôn khiến bất cứ ai ngay lần đầu gặp gỡ ấn tượng sâu sắc về niềm say mê ứng dụng khoa học công nghệ. Ông có thể đứng cả giờ đồng hồ để nói về việc kiểm thử nông sản mà cứ nhầm tưởng là mình đang ngồi tiếp chuyện trong phòng khách.
Ở Trung tâm Phân tích Công nghệ cao Hoàn Vũ, mấy chục nhân viên đều ít nhiều lây nhiễm cái tính lo làm việc mà quên mất cả thực tại xung quanh của ông Henry Bùi. Chuyện gần 2 giờ chiều cơn đói nhắc nhở họ sực nhớ ra rằng mình chưa ăn cơm trưa, hay hơn 7 giờ tối họ mới hay là mình phải về nhà sau một ngày lao động miệt mài... thường xuyên xảy ra.
Chuẩn kiểm định quốc tế nhưng giá Việt Nam
Hiện Trung tâm phân tích công nghệ cao Hoàn Vũ đáp ứng những yêu cầu gì cho nông sản Việt xuất khẩu, thưa ông?
+ Ông HENRY BÙI: Để trở thành trung tâm kiểm thử chất lượng nhất ở Đông Nam Á như hôm nay là cả một quá trình Hoàn Vũ xây dựng thương hiệu, bảo vệ cho uy tín của các sản phẩm Việt Nam. Chúng tôi không chỉ kiểm nghiệm sản phẩm Việt Nam mà còn đại diện cho cả người mua nước ngoài. Các doanh nghiệp này tin tưởng hoàn toàn vào năng lực của Hoàn Vũ, chỉ cần Hoàn Vũ xác nhận mẫu thử xong là họ bốc hàng đi luôn.
Chúng tôi trả lời các câu hỏi này cho nông sản xuất cảng: 1. Nó có phải là nó không? 2. Nó có phải ở chỗ đó không? (Trồng ở đâu? Điều kiện thổ nhưỡng? Phun phân thuốc vô cơ hay hữu cơ? Những tác nhân và quản lý chất lượng của nó...) 3. Nó có an toàn không? Tóm lại là có rất là nhiều chuyện để kiểm thử trước khi một lô hàng có thể xuất cảng thành công trọn vẹn mà an toàn thực phẩm chỉ là cái ngọn, còn cái gốc chính là truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Rất cực, rất khó nhưng mà mình không phải không làm được.
Mong muốn lớn nhất của tôi là làm sao để nông dân, doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam sẽ chinh phục được tất cả thị trường khó tính nhất thế giới.
Ông Henry Bùi: "Để trở thành trung tâm kiểm thử chất lượng nhất ở Đông Nam Á như hôm nay là cả một quá trình Hoàn Vũ xây dựng thương hiệu, bảo vệ cho uy tín của các sản phẩm Việt Nam".
Ông Tom Sargeantson - giám đốc kinh doanh của Sunland - tập đoàn nhập khẩu mật ong lớn nhất trên thế giới đã đánh giá: “Hoàn Vũ đã quản lý chất lượng tuyệt vời cho 600 đơn hàng, tức là 12.000 tấn mật ong xuất cảng đến Hoa Kỳ, đã được kiểm tra tại Hoa Kỳ. Tất cả đều đạt, không có lô nào sai, hơn cả 2 phòng thí nghiệm lớn bên Đức. Thật là tuyệt vời và phải tự hào về điều đó”. Ông có thể nói gì về nhận xét này?
+ Sở dĩ chúng tôi được thị trường thế giới tin cậy như vậy là bởi vì sản phẩm mật ong có rất nhiều chỉ tiêu kiểm thử và chỉ cần một chỉ tiêu “rớt” là nguyên một container hàng 20 tấn không được xuất khẩu. Mỗi năm chúng tôi cho đi tới 50.000 tấn, tỷ lệ thành công là 99,99%.
Thông thường, việc đánh giá chất lượng mật ong (có trộn đường, tỷ lệ trộn) căn cứ theo tỷ lệ saccarose có trong mẫu. Nhưng nếu trộn đường corn syrup (thành phần chủ yếu là glucose và fructose), cách đánh giá này lại không đúng. Năm 2020, chúng tôi đã nghiên cứu và xây dựng các “dấu ấn đường - sugar maker”, chính xác đến 5 con số lẻ, tách ra được hơn 3.000 chất khác nhau. Đây cũng là lý do giúp các kết quả phân tích mật ong của Hoàn Vũ được các thị trường châu Âu và Mỹ chấp nhận. 100% mật ong Việt Nam xuất khẩu vào hai thị trường khó tính này là do Hoàn Vũ chứng nhận nguồn gốc, chất lượng. Hoàn Vũ trở thành một dịch vụ “trọn gói” xác thực mật ong trước khi xuất cảng.
Chất lượng kiểm thử của Hoàn Vũ chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế như thế thì hẳn chi phí cũng tương ứng?
+ Không đâu, chi phí ở đây rất hợp lý. Nếu mà so với chi phí điểm định của các doanh nghiệp trên thế giới thì bên mình giá rất rẻ, chỉ bằng 10-20% so với các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore... trong khi chất lượng kiểm định là ngang bằng hoặc thậm chí chính xác hơn họ, nghĩa là chuẩn kiểm định quốc tế nhưng giá Việt Nam.
Nếu so với chi phí điểm định của các phòng lab trên thế giới thì ở Hoàn Vũ giá rất rẻ, chỉ bằng 10-20%, trong khi chất lượng kiểm định là ngang bằng hoặc thậm chí chính xác hơn họ.
“Lá rụng về cội, tôi muốn làm gì đó cho quê hương”
Tại sao tên trung tâm lại là Hoàn Vũ trong khi ông là Việt kiều, đặt một cái tên tiếng Anh cho trung tâm cũng là hợp lẽ?
+ Hoàn Vũ có nghĩa là hoàn cầu, mang tính quốc tế bởi vì tính chất công việc của mình là kiểm thử chất lượng hàng hóa để mang ra quốc tế. Tôi cố ý chọn một cái tên thuần Việt để thế giới nhìn nhận, ghi nhớ một cái tên Việt Nam, một thương hiệu Việt Nam uy tín, chuyên nghiệp trên thị trường quốc tế về kiểm thử chất lượng sản phẩm. Khi mình đóng cái tên thuần Việt này lên sản phẩm để xuất cảng mình cũng cảm thấy “sướng”.
30 năm làm việc trong Phòng Thí nghiệm quốc gia Mỹ, tại sao ông quyết định trở về Việt Nam?
+ Đó là năm 2006, khi tôi đang là chuyên gia về an toàn thực phẩm, làm việc cho Phòng Thí nghiệm quốc gia Mỹ thì hôm đó tôi đọc được một bài báo ở Việt Nam viết về ô nhiễm nước sinh hoạt. Bài báo khiến tôi rất trăn trở. Lá rụng về cội, tôi muốn làm gì đó cho quê hương nên muốn đem tài sản, đem kiến thức về Việt Nam để giúp cho quê hương mình chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm, chuyện vệ sinh môi trường.
Đến năm 2007 thì tôi quyết định bỏ lại tất cả, trở về Việt Nam lập Trung tâm Phân tích Hoàn Vũ để kiểm thử chất lượng hàng xuất cảng. Thời điểm đó, Việt Nam chỉ mới chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng các nước Âu Mỹ đã quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc, đến quá trình sản xuất sản phẩm. Đây là lý do khiến nhiều lô hàng của Việt Nam không được xuất cảng hoặc khi đến các thị trường khó tính thì bị trả về hoặc phải tiêu hủy.
Hàng hóa gửi đi nước ngoài kiểm thừ có khi mất cả tháng trời để có kết quả trong khi ở Trung tâm Phân tích công nghệ cao Hoàn Vũ chỉ mất có 3 ngày.
Với niềm say mê theo đuổi kiểm thử chất lượng hàng hóa Việt xuất cảng như lâu nay, có ai là người kế nghiệp ông không?
+ Chính là các em trong công ty của tôi, là thế hệ kế thừa kế nghiệp tôi. Tôi tin tưởng ở các em. Chứ còn hai con trai của tôi đang ở Mỹ thì không theo con đường của tôi. Con trai lớn theo ngành kỹ thuật y sinh, tốt nghiệp đại học Stanford, lấy bằng tiến sĩ ở Upenn, sau đó theo đuổi chương trình chọn 12 cá nhân xuất sắc nhất nghiên cứu cho một ứng dụng chữa trị bệnh tim hậu đại học ở trường đại học Stanford, hiện nay đang start up về sản phẩm giải quyết đứng tim cùng với trường đại học Stanford và dạy học bán thời gian cho ngành y sinh ở đây. Còn con trai út của tôi thì mới 21 tuổi, đang học đại học.
Mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa
Ông có thể chia sẻ những việc mà ông và các cộng sự đang làm?
+ Chúng tôi đang hướng tới một số giải pháp cho quốc gia. Điều tôi băn khoăn nhất là làm sao cho dân của mình được ăn sạch. Tôi là người gác cổng cho nông sản Việt đi ra ngoài thế giới, “rác” muốn lọt qua bên kia là cực kỳ khó, để thế giới được ăn sạch thì tại sao người Việt mình lại không được ăn sạch? Cái khó là làm sao để người dân trong nước nhận biết thực phẩm sạch trong khi đâu phải mình muốn ăn cái gì cũng đem đi kiểm hễ sạch thì mới ăn. Cho nên, tôi quyết định tự làm. Từ 7 tháng nay, tôi cùng với 3 nhóm bạn làm dự án thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Trong đó, một nhóm nghiên cứu về học thuật bắt tay nghiên cứu thuốc bảo vệ thực vật sinh học, nhóm thứ hai sử dụng trang thiết bị tìm ra công thức và nhóm thứ 3 là kiếm tiền để nuôi dự án. Chúng tôi có một quỹ đất, trồng rau và phun thuốc nghiên cứu lên đó. Chúng tôi đăng ký bản quyền thế giới. Mình làm đầu tiên trên rau. Làm sao cho cải ngọt, cải xanh, cải thìa - 3 loại rau được trồng sạch, rồi đến đậu đũa, đậu bắp.
Làm những cái này rất khó, rất tốn kém, trên thế giới chỉ có 3 nước là Mỹ, Đức và Thụy Sĩ làm ra được 3 chất, tôi sợ rằng bây giờ chúng tôi không làm thì 50 năm sau Việt Nam mình chắc cũng không có ai làm.
"Điều tôi băn khoăn nhất là làm sao cho dân của mình được ăn sạch"- ông Henry Bùi.
Những khi lắng lòng, rời công việc ra để sống cho chính mình, ông có “bí mật” gì không?
+ Cá nhân tôi rất bình thường. Tôi thích Việt Nam tôi muốn sống ở Việt Nam. Còn giàu có hay không thì còn do cái phước của mình. Mà ở cái tuổi ngoài 60 như tôi thì tâm tư không nằm ở danh lợi, vật chất nữa rồi. Khi rời công việc, tôi thỉnh thoảng làm thơ và sáng tác nhạc. Tôi có nhóm bạn thân thiết yêu thơ nhạc, chúng tôi còn dự định tổ chức đêm nhạc nội bộ.
Nói thật là, với kinh nghiệm và trình độ của tôi thì hiện tại Việt Nam chưa dùng đến 10% kiến thức của tôi. Cho nên tôi còn muốn làm nhiều việc lắm. Tôi đang giúp cho các bạn sản xuất những cái mà Việt Nam mình chưa làm, những sản phẩm sau thu hoạch, ví dụ như bột đường mật ong chiết xuất từ mật ong. Cái này đã thử nghiệm thành công, đang trong giai đoạn sắp xếp nhà máy sản xuất có qui mô. Hoặc là bảo quản sau thu hoạch, một trái xoài nhúng vào thuốc được bảo quản tốt trong thời gian lâu 1-2 tuần mà vẫn an toàn để ăn. Chúng tôi cứ âm thầm làm, nhóm học thuật cho ra nhiều công thức khác nhau, tính toán trên hiệu quả để người hưởng thụ sau cùng là người dân mình.
Xin cảm ơn ông!
Box:
Chị TRỊNH THỊ MINH NGUYỆT - Trưởng phòng Lab Trung tâm Phân tích Công nghệ cao Hoàn Vũ:
Được anh Henry Bùi truyền niềm say mê khoa học công nghệ
"Làm việc tại Hoàn Vũ 16 năm, từ khi phòng lab mới thành lập đến nay, điều lớn nhất tôi học được từ anh Henry là niềm say mê dành cho khoa học công nghệ. Lúc ban đầu anh muốn chúng tôi được học nhiều nhất có thể. Ngày nào đi làm chúng tôi cũng ra về sớm nhất là lúc 7 giờ rưỡi tối chúng tôi về. Còn máy móc nếu với người khác đầu tư là phải an toàn thì anh lại chấp nhận mạo hiểm. Về trang bị máy đồng vị, anh là người đi đầu ở Việt Nam, dù phải tốn nhiều tiền, với kỹ thuật rất mới, nếu có rủi ro, có bị hư cũng chưa biết phải sửa làm sao, miễn là khách có nhu cầu là anh sắm máy đáp ứng. Anh nghĩ ra cái gì thì phải làm cho bằng được.
Anh Henry tạo mọi điều kiện làm việc tốt nhất cho chúng tôi. Anh cho chúng tôi sự chủ động, không áp đặt, khuyến khích các ý kiến phản biện. Khi bất đồng thì anh cắt nghĩa không hợp lý ở chỗ nào, không bao giờ anh áp đặt ý kiến, suy nghĩ của anh lên chúng tôi".