Mô hình trồng hoa mai vàng với khoảng 510 ha tại các xã Bình Lợi, Lê Minh Xuân, Tân Quý Tây, Hưng Long, Tân Kiên cho thu nhập 600 đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Đã thành lập Hợp tác xã mai vàng xã Bình Lợi để phát triển thương hiệu, trong thời gian tới huyện tiếp tục phát triển theo hướng du lịch sinh thái, thăm quan làng hoa mai vàng xã Bình Lợi. Đối với cây mai, thương lái đến tận vườn để thu mua tập trung xã Bình Lợi và Lê Minh Xuân (mai nguyên liệu); các hộ trồng mai còn cho thuê vào dịp tết Nguyên đán và nhận chăm sóc mai (sau tết) đang phát triển. Dự án làng mai vàng Bình Lợi kết hợp phát triển du lịch sinh thái: huyện đã phối hợp với Trung tâm tư vấn hỗ trợ nông nghiệp và UBND xã Bình Lợi đã đăng ký tên miền cho cây mai vàng xã Bình Lợi - Website: www.maivangbinhloi.com. vn; thống nhất mẫu logo cho thương hiệu Mai vàng Bình Lợi (đã phối hợp bàn giao cho Hợp tác xã mai vàng Bình Lợi khai thác) và hỗ trợ xây dựng cổng chào cho Câu lạc bộ mai vàng Bình Lợi tại ấp 4, xã Bình Lợi; thời gian tới tiếp tục phối hợp các đơn vị đăng ký nhãn hiệu Mai vàng Bình Lợi.
Mô hình trồng bưởi da xanh với khoảng 100 ha tại xã Phạm Văn Hai, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sang trồng bưởi da xanh, từ một vùng trũng thấp, hoang hóa, hiện nơi đây hình thành một vùng chuyên canh bưởi da xanh; đem lại thu nhập cao cho người dân, trung bình 250 đến 400 triệu đồng/ha/năm; huyện đã thành lập tổ hợp tác bưởi da xanh góp phần tạo đầu ra ổn định, xây dựng thương hiệu, tập huấn nâng cao kiến thức trồng và chăm sóc bưởi theo hướng VietGAP.
Mô hình trồng rau an toàn với diện tích gieo trồng là 2.994,9 ha (diện tích canh tác là 550 ha), sản lượng 77.870 tấn/năm, giá trị sản xuất đạt 201,9 tỷ đồng; tập trung tại các xã Tân Quý Tây, Hưng Long, Quy Đức, Tân Nhựt với thu nhập trung bình 150 đến 300 triệu đồng/ha/năm. Thị trường tiêu thụ: nông dân bán rau qua các thương lái bán buôn tại các chợ trên địa bàn huyện hoặc chợ đầu mối Bình Điền, chợ đầu mối Tân Xuân... Ngoài ra, trên địa bàn huyện có Hợp tác xã Phước An, Phước Bình, Hưng Điền, chi nhánh Hợp tác xã Phú Lộc (huyện Củ Chi) chuyên thu mua rau của bà con nông dân trong huyện và cung cấp cho các siêu thị, công ty, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người trồng rau. Hợp tác xã Phước An được huyện chọn để tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã tiên tiến hiện đại.
YẾNMô hình nuôi cá kiểng ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh.
Mô hình trồng dừa xiêm với khoảng 78,07 ha tại các xã Bình Lợi, Lê Minh Xuân với thu nhập trung bình 150 đến 250 triệu đồng/ha/năm. Đã thành lập tổ hợp tác dừa xiêm giúp ổn định giá cả và đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân trên địa bàn.
Mô hình trồng hoa lan với khoảng 37 ha tại các xã Bình Lợi, Tân Kiên, An Phú Tây, Đa Phước, Bình Chánh, Hưng Long, Phong Phú, Quy Đức với thu nhập trung bình 500 - 800 triệu đồng/ha/năm. Đã thành lập các hợp tác xã hoa lan giúp ổn định giá cả và đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân trên địa bàn huyện.
Mô hình nuôi cá kiểng với khoảng 66,4 ha tập trung tại các xã Bình Lợi, Tân Nhựt, Phong Phú, Đa Phước với thu nhập trung bình 250 đến 400 triệu đồng/ha/năm; hiệu quả kinh tế với diện tích nuôi trồng nhỏ nhưng đạt giá trị sản xuất cao, với 102 hộ nuôi cá cảnh, 13 cơ sở kinh doanh, sản lượng bình quân hàng năm đạt 105 triệu con/năm, với các loại cá kiểng chủ yếu như: chép, koi, nam dương, ba đuôi, bảy màu, xiêm, Haflmoon, bình tích, ông tiên...; phương pháp nuôi trong hồ, ao truyền thống. Thị trường tiêu thụ: trong nước (các cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội) và bán cho các thương lái đến tận hộ nuôi thu mua. Huyện đã thành lập các tổ hợp tác giúp ổn định giá cả và đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân trên địa bàn.
Mô hình trồng rau thủy canh, dưa lưới với khoảng 2,07 ha tại xã Bình Lợi, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Quy Đức, sản lượng trung bình 28,8 tấn/năm, doanh thu bình quân 780 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Góp phần nâng cao giá trị sản xuất, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn “An toàn - xanh - sạch”.
Đây là những mô hình sản xuất tiêu biểu góp phần hình thành vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện Bình Chánh. Trong thời gian tới, huyện cần đẩy mạnh thông tin, quảng bá nhằm đảm bảo liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao đời sống hộ dân sản xuất, hỗ trợ các mô hình trở thành các điểm tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh.