Hơn 100 người ngộ độc thực phẩm sau khi bánh mì Phượng Hội An
Chiều 14/9, ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến chiều cùng ngày, ngành y tế ghi nhận 133 người có biểu hiện ngộ độc thực phẩm sau ăn bánh mì của tiệm Phượng ở TP Hội An (Quảng Nam). Trong đó có 34 người nước ngoài.
Hầu hết các bệnh nhân đều có triệu chứng nôn mửa, đau bụng, sốt cao, đi tiêu lỏng nhiều lần và kéo dài. Các bệnh nhân hiện đang được theo dõi tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.
Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin 5 người trong 1 gia đình có biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì ở tiệm bánh mì Phượng (TP Hội An), đơn vị đã phối hợp Trung tâm Y tế TP Hội An thành lập đoàn điều tra ngộ độc thực phẩm để nắm thông tin.

Sau đó, số lượng bệnh nhân tăng nhanh, đến nay ghi nhận 133 người có biểu hiện ngộ độc.
Thời gian ăn bánh mì của các bệnh nhân rải rác từ 8h - 20h ngày 11/9. Khoảng cách giữa thời gian xuất hiện triệu chứng và thời gian ăn ít nhất là 2 giờ, nhiều nhất là 16 giờ (thời gian ủ bệnh từ 2 - 16 giờ).
Theo Chi cục ATVSTP, ngày 11/9, tiệm bánh mì Phượng (phường Minh An, TP Hội An) đã bán 1.920 ổ bánh mì. Ngày 12/9, cơ sở này bán 1.700 ổ.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận, khu vực sơ chế của cơ sở này chưa đảm bảo vệ sinh, chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến và khu vực khác.
Tiệm bánh mì cũng không lưu bánh mì, sốt trứng gà tươi trong số lượng món ăn trong 1 ngày. Cơ sở này không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh. Cụ thể, thùng rác tại khu vực sơ chế, chế biến không có nắp đậy. Các dụng cụ sơ chế, chế biến như máy xay thịt chưa đảm bảo vệ sinh.

Đoàn điều tra, giám sát và xử lý ngộ độc thực phẩm đã tiến hành lấy mẫu lưu của cơ sở và mẫu có liên quan để gửi đến Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm sau vụ cả trăm người ngộ độc nghi ăn bánh mì ở Hội An.
Theo Chi cục ATVSTP, các loại thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc có thể là pa tê, thịt xíu (gồm thịt và nước), xíu mại và các loại rau (rau răm, rau húng, hành, xà lách, sốt trứng gà tươi (trứng gà + dầu ăn), dưa leo, đu đủ chua, chả heo).
Vì theo lời khai của hầu hết các bệnh nhân bị ngộ độc, họ đều ăn bánh mì đã qua chế biến.
Ngành chức năng yêu cầu cơ sở tạm dừng hoạt động chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống tại hộ kinh doanh Bánh mì Phượng đến khi có kết luận vụ ngộ độc thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền. Khi có kết quả đoàn điều tra sẽ kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ việc này, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Quảng Nam yêu cầu tạm thời đình chỉ hoạt động của cơ sở bánh mì Phượng, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở, truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để xét nghiệm, điều tra xác định rõ căn nguyên vụ việc; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có).
Kết quả sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn...
Bên cạnh đó, Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các đơn vị tiếp tục cấp cứu và điều trị tích cực, đảm bảo hồi phục sức khỏe cho các nạn nhân bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì.