Dòng chảy

Cán bộ, nhà giáo, nhà khoa học thương tiếc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Công Chương – Như Ý 26/07/2024 - 14:27

Khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, nhiều cán bộ, nhà giáo, nhà khoa học tại TP.HCM đã bày tỏ sự tiếc thương người cộng sản kiên trung – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời bày tỏ quyết tâm biến nỗi buồn tiếc thương thành nghị lực để tiếp tục cống hiến nhiều hơn.

le-vieng-tbt-nguyen-phu-trong-tai-tphcm.jpg
Di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đặt tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM trong hai ngày 25-26/7.

Tiến sĩ Phan Hồng Hải – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM: “Tiếc thương người cộng sản kiên trung – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”

phan-hong-hai-1a.jpg
TS. Phan Hồng Hải.

Sau khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, bản thân tôi và toàn thể viên chức, người lao động, các em sinh viên Nhà trường đã hết sức đau buồn và xót xa trước sự ra đi của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, một người cộng sản kiên trung và một tấm gương sáng ngời về sự giản dị, gần gũi cả trong công việc lẫn trong cuộc sống đời thường.

Bản thân tôi luôn dành sự khâm phục đối với Tổng Bí thư dù trong mọi hoàn cảnh dẫu là thuận lợi hay khó khăn thì Tổng Bí thư vẫn luôn giữ vững ý chí phấn đấu, vươn lên, học hỏi không ngừng nghỉ, trở thành một vị Giáo sư, Tiến sĩ mang khả năng lý luận sâu sắc và nguồn tri thức vốn có của mình phục vụ cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân hết lòng, hết sức cho đến những giây phút cuối đời. Đó là một hình mẫu hết sức trong sáng cho tôi cũng những người đang công tác trong ngành giáo dục và các em sinh viên Trường có thể học tập, noi theo.

Đối với Nhà trường trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cố gắng phấn đấu, thực hiện tốt những nhiệm vụ quan trọng của ngành cũng như gửi gắm, tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng viết trong thư gửi ngành giáo dục: “Tôi mong các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành giáo dục luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp "trồng người"; mong các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, "tôn sư trọng đạo" của dân tộc, noi theo các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành những người vừa "hồng" vừa "chuyên" như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Đặc biệt, Nhà trường hết sức quan tâm đến việc xây dựng được một đội ngũ tri thức, những người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao để khi ra thị trường lao động có thể góp một phần công sức của mình vào công cuộc xây dựng, phát triển và hội nhập đất nước ta ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ hơn nữa.

PGS.TS.BS.Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch: “Biến nỗi buồn tiếc thương thành nghị lực để tiếp tục cống hiến nhiều hơn”

nguyen-thanh-hiep.jpg
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp.

Nhận được tin Bác Trọng từ trần, bản thân tôi rất bàng hoàng, đau xót, tiếc thương một Người lãnh đạo cao quý, tấm gương cao cả, là Người kế thừa xuất sắc những tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ. Bác Trọng có những chiến thuật đối ngoại và nghệ thuật đối nội rất hay, trong đó, tôi rất cảm phục tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí của Bác, sẵn sàng hy sinh những cán bộ cấp cao để làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước, từ đó, từng bước xây dựng lại hình ảnh tốt đẹp của Đảng, đồng thời tạo dựng niềm tin vững chắc trong lòng nhân dân và bè bạn thế giới.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, công tác Đảng và xây dựng Đảng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng đối với đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đi sâu làm rõ bản chất của Đảng, vai trò của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước, về xây dựng Đảng cầm quyền từ thực tiễn đổi mới ở Việt Nam.

Trong quá trình công tác của mình, bản thân tôi rất tâm đắc những câu nói của Người, như “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, Bác Trọng đã phát biểu tại cuộc họp Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 10/4/2018 và câu nói: “Kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ hư hỏng, tham nhũng” mà Bác Trọng phát biểu tại Phiên họp thứ 13, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 22/01/2018. Từ đó, trong các cuộc họp của nhà trường, tôi thường đọc câu nói này và nhắc nhở lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, cán bộ nhân viên nhà trường để từng đồng chí soi rọi lại bản thân mình; đề nghị từng bộ phận, từng đồng chí tự kiểm điểm lại bản thân để có những giải pháp cách làm hay, sáng tạo gắn với nhiệm vụ chuyên môn và ai cảm thấy không đủ năng lực lãnh đạo, hoàn thành nhiệm vụ được giao, thì chủ động xin rút lui để người có năng lực thực hiện nhiệm vụ chung của đơn vị, góp phần xây dựng nhà trường trong sạch vững mạnh.

Sự ra đi của Bác Trọng là sự mất mát lớn của dân tộc, của Đảng, Nhà nước nhưng hình ảnh của Bác Trọng vẫn mãi trong lòng nhân dân, trong lòng những người đang nhiệt huyết với sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp phát triển của địa phương, đơn vị, của các ngành, các lĩnh vực.

Ban thân tôi là một bác sĩ, một người thầy, người Thủ trưởng Trường Đại học Y khoa của TP.HCM. Tôi nguyện học tập theo Bác Trọng, đem hết tâm huyết, trí tuệ sức lực của mình và biến nỗi buồn tiếc thương thành nghị lực để tiếp tục cống hiến nhiều hơn, quyết tâm hơn vì sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, ra sức xây dựng đơn vị từng bước trong sạch vững mạnh, xứng danh là Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.

TS. Hồ Nhựt Quang – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG-HCM): “Nguyện một lòng chung sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh”

ho-nhut-quang.jpg
TS. Hồ Nhựt Quang.

Toàn thể đảng viên thuộc Đảng bộ Trường Đại học Quốc tế (ĐHQT) thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) thực sự đau buồn và tiếc thương trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chúng tôi xin thể hiện lòng tri ân sâu sắc đến với Người.

Những cống hiến lớn lao trong suốt cuộc đời, sự chính trực, đạo đức sáng ngời và tài lãnh đạo xuất sắc của đồng chí Tổng Bí thư đã trở thành niềm tin tưởng tuyệt đối, là động lực cho mọi thế hệ phấn đấu, noi theo.

57 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới đất nước, đồng chí để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần hoạch định chủ trương, đường lối ở tầm chiến lược; xây dựng, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng; đưa đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều phát biểu, chỉ đạo mang tính chiến lược về giáo dục, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ nỗ lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện đạo đức, trở thành lực lượng tiên phong, xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Không chỉ vậy, bằng chính cuộc đời của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là tấm gương sáng về tinh thần tôn sư trọng đạo. Dù đã giữ chức vụ cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn giản dị, khiêm nhường khi về thăm trường cũ.

Có thể nói, dù ở cương vị nào, giai đoạn nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự phát triển giáo dục, khoa học công nghệ.

Toàn đảng viên Đảng bộ Trường ĐHQT quyết tâm học tập và noi theo tấm gương sáng ngời của đồng chí Bí thư, tiếp nối những di sản người đã để lại, nguyện một lòng chung sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, giữ vững niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nguyện hết sức tận tụy vì lợi ích của nhân dân và đất nước.

ThS Đặng Thùy Khánh Vân - Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM: “Đồng chí là niềm tin, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam”

khanh-van.jpg
ThS Đặng Thùy Khánh Vân.

Sáng 19/7 tôi vừa mới nhắn tin nhắc nhở cơ sở không được đưa tin không đúng sự thật về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong suy nghĩ, tôi luôn cầu mong sao đồng chí vẫn khỏe, vượt qua được cơn bạo bệnh.

Vậy mà… khi nghe tin đồng chí từ trần, tim tôi nhói đau, cổ họng nghẹn ngào, nước mắt tuôn trào. Vẫn biết chuyện gì đến sẽ đến, nhưng sao tôi vẫn khó chấp nhận đó là sự thật. Là cán bộ làm tuyên giáo, tôi thường xuyên theo dõi các hoạt động của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi đã nhiều lần được nghe đồng chí phát biểu trong các hội nghị lớn của Đảng và Nhà nước, mỗi lần như vậy tôi như được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin để phấn đấu công tác thật tốt.

Hình ảnh người ông thân thương khi bế các cháu nhỏ, hình ảnh đồng chí nắm tay các cụ già, hình ảnh đồng chí ra đồng gặt lúa cùng bà con nông dân… luôn hiện hữu trong tâm trí tôi. Tôi vô cùng trân quý, biết ơn vị lãnh đạo cao nhất của đất nước nhưng luôn có một cuộc sống bình dị và gần gũi.

Tôi luôn thuộc nằm lòng câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ngày 19/11/2020 tại Hà Nội, trong Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 do Bộ Chính trị tổ chức: Đời người chỉ sống có 1 lần, phải sống sao cho ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo có được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng cáo quý nhất.

Thời gian qua, với vai trò của mình, tôi đã tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM tổ chức học tập các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho toàn Đảng bộ Khối. Qua mỗi lần học tập, nghiên cứu tác phẩm của Tổng Bí thư, tôi càng kính nể đồng chí hơn. Những hy sinh, đóng góp của đồng chí cho sự phát triển của đất nước thật vĩ đại, thật lớn lao. Đồng chí là niềm tin, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Đau đớn, cúi đầu kính tiễn biệt đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ, nhà giáo, nhà khoa học thương tiếc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO